Quan hệ EU và Anh bước vào giai đoạn căng thẳng mới

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Nguồn cơn sự việc là Anh không rút các điều khoản gây tranh cãi khỏi Dự luật Thị trường Nội địa, dự luật chi phối các thỏa thuận thương mại hậu Brexit trong nội bộ nước này. 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 1/10 tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) quyết định gửi “thư thông báo chính thức” đến Anh, bước đầu tiên trong thủ tục pháp lý, do nước này vi phạm các điều khoản của Thỏa thuận rút lui. Việc khởi động tiến trình pháp lý này cho thấy, những bất đồng sâu sắc trong quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu xung quanh việc Anh rời EU vẫn chưa thể tháo gỡ, báo hiệu một giai đoạn căng thẳng mới trong quan hệ song phương.

Quan hệ EU và Anh bước vào giai đoạn căng thẳng mới - ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen phát biểu trong cuộc họp báo ngày 1/10/2020 - Ảnh: EPA

Nguồn cơn sự việc là Anh không rút các điều khoản gây tranh cãi khỏi Dự luật Thị trường Nội địa, dự luật chi phối các thỏa thuận thương mại hậu Brexit trong nội bộ nước này. Việc Hạ viện Anh ngày 29/9 phê chuẩn dự luật, được cho là vi phạm thỏa thuận giữa London với Liên minh châu Âu (EU), thậm chí, theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, là vi phạm luật pháp quốc tế và làm xói mòn lòng tin. Trước đó, Uỷ ban châu Âu (EC) đã đặt ra hạn chót để Anh rút các điều khoản gây tranh cãi này song không được phía Anh đáp ứng.

Lý lẽ của Anh và EU     

Anh khẳng định Dự luật thị trường nội địa Anh sẽ bảo vệ việc làm và nền hòa bình cho vùng Bắc Ireland. Anh cần tạo ra một mạng lưới pháp lý an toàn để bảo vệ tính toàn vẹn cho thị trường nội bộ của nước này, đảm bảo các bộ trưởng luôn có thể thực hiện các nghĩa vụ với Bắc Ireland và bảo vệ lợi ích từ tiến trình hòa bình. London cũng khẳng định dự luật mới cần thiết để đảm bảo giao thương giữa các vùng England, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland diễn ra thuận lợi, không bị gián đoạn, tăng cường khả năng hồi phục kinh tế sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm nay.

Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi dự luật mới này là "lưới an toàn pháp lý" trong trường hợp EU "diễn giải thiên lệch" những thỏa thuận hậu Brexit. Ông khẳng định nhiệm vụ của ông là đảm bảo sự thống nhất thị trường trong nước nhưng cũng phải bảo vệ cả tiến trình hòa bình của Bắc Ireland và Hiệp ước thứ Sáu tốt lành giúp chấm dứt hơn 30 năm xung đột tại vùng lãnh thổ này.

Tuy nhiên, theo các điều khoản đã được Anh và EU nhất trí, Bắc Ireland sẽ vẫn nằm trong  lãnh thổ hải quan của Vương quốc Anh và sẽ được đưa vào bất kỳ thỏa thuận thương mại nào của Vương quốc Anh trong tương lai. Song, để tránh biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, thì Bắc Ireland sẽ tiếp tục áp dụng các mức thuế của châu Âu. Nhưng, dự luật về thị trường nội bộ xóa nhòa giao thức này đối với Bắc Ireland. Dự luật tìm cách loại Bắc Ireland ra khỏi các quy định thị trường chung EU, để duy trì một thị trường liên kết của Vương quốc Anh và đảm bảo tất cả 4 quốc gia của vương quốc Anh duy trì các tiêu chuẩn và quy tắc giống nhau để hàng hóa có thể được giao dịch tự do.

Vì vậy, EU đã phản ứng rất gay gắt ngay từ khi Chính phủ Anh công bố dư luật bởi, dự luật dự định sửa đổi điều khoản "chốt chặn" để tránh tình trạng tái lập biên giới "cứng" giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland. Từ đầu tháng 9, EU đã yêu cầu tổ chức cuộc họp khẩn cấp với Anh. Phó Chủ tịch EU Maros Sefcovic yêu cầu Vương quốc Anh hồi đáp những quan ngại sâu sắc EU về dự luật. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo Anh rằng, dự luật mới của Anh, rút lại các điều khoản trong thỏa thuận Brexit, nếu được thông qua, sẽ vi phạm luật pháp quốc tế và làm xói mòn lòng tin. Chủ tịch Nghị viện châu ÂU David Sassoli cảnh báo "bất kỳ nỗ lực nào của Anh tổn hại tới thỏa thuận (rút lui) sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng." Đức kêu gọi London nghiêm túc tôn trọng các điều khoản Brexit mà Anh đã nhất trí trước khi chính thức rời khỏi EU.

Những tác động

Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson biết rất rõ những tác động khi đưa ra dự luật này. Ngay từ khi mới công bố dự luật (đầu tháng 9), Thủ tướng Anh Boris Johnson thừa nhận văn kiện này đề ra những thay đổi đơn phương vi phạm Thỏa thuận Brexit với EU. Anh cũng thừa nhận dự luật mới sẽ vi phạm luật pháp quốc tế "theo cách rất đặc biệt và có giới hạn.".

Sở dĩ nói vậy vì theo thỏa thuận rút lui ký với EU, Anh phải liên lạc với EU khi thực hiện bất kỳ dàn xếp nào với vùng Bắc Ireland, đường biên giới trên bộ duy nhất giữa Anh và EU thời hậu Brexit. Do đó, động thái đơn phương của London được cho là đẩy các cuộc đàm phán thương mại Anh - EU, vốn đang bế tắc, tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng. EU từng nhiều lần cảnh báo việc vi phạm Thỏa thuận rút lui sẽ khiến hai bên không thể đạt được bất kỳ thỏa thuận thương mại nào.

Việc Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu tiến hành thủ tục pháp lý chống lại Vương quốc Anh liên quan đến dự luật gây tranh cãi của nước này, được cho là bước đi cực chẳng đã. Anh sẽ có một tháng để trả lời thư của EC. Sau đó, EC sẽ đánh giá xem câu trả lời có thỏa đáng không và có thể yêu cầu Anh rút các điều khoản gây tranh cãi khỏi dự luật của họ. Nếu thất bại, EC có thể khởi kiện Anh tại Tòa án Công lý châu Âu có trụ sở tại Luxembourg. Điều này cũng có nghĩa quan hệ Anh – EU lại bước vào giai đoạn căng thẳng mới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu