Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm ngay ngày đầu năm mới

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Những quyết tâm, nỗ lực, sự thống nhất trong hành động từ trung ương đến địa phương, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp sức cho kinh tế Việt Nam cán những mốc mới năm 2020.

Phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mỗi quốc gia, là yếu tố cơ bản bảo đảm ổn định xã hội. Ngay từ những ngày đầu năm 2020, Việt Nam thể hiện quyết tâm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu phát triển kinh tế của cả năm, bởi những thành quả đạt được trong năm nay có ý nghĩa quan trọng để cả nước có thể hoàn thành thắng lợi mục tiêu 5 năm (2016 - 2020) mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra. 

Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm ngay ngày đầu năm mới - ảnh 1Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 2020 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế. - TTXVN 

Năm 2020, Việt Nam tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.

Sức bật từ năm 2019

Năm 2019, kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tích ấn tượng. Thành tựu nổi bật là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02%, thuộc mức cao nhất thế giới và khu vực. Nhìn vào con số thống kê mức tăng trưởng GDP từ năm 2016 đến nay, mới thấy hết sự nỗ lực và quyết tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp GDP của Việt Nam tăng trưởng trên 7%. Cùng với tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, chỉ số giá tiêu dùng cả năm vẫn nằm trong chỉ tiêu Quốc hội giao. Đáng lưu ý, kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên cán mốc 500 tỷ USD, chỉ 2 năm sau khi đạt thành tích 400 tỷ USD. Thành tích này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới suy giảm xuất nhập khẩu, giúp Việt Nam xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp.

Đặt vào điều kiện thực tiễn của đời sống xã hội Việt Nam mới thấy hết được giá trị, ý nghĩa của tăng trưởng kinh tế. Năm 2019, không chỉ chịu những tác động của đời sống kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam còn bị ảnh hưởng rất lớn bởi thiên tai, bão lũ, hỏa hoạn, dịch bệnh. Dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của ngành chăn nuôi. Xuất khẩu nông sản, hải sản cũng không còn dễ dàng khi những yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe hơn, nhất là việc truy xuất nguồn gốc và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…Tuy nhiên Việt Nam đã lập nên những kỳ tích mới, không những giữ vững đà tăng trưởng mà còn vượt chỉ tiêu theo dự kiến ban đầu. Có thể nói, kết quả phát triển của năm 2019 là minh chứng sinh động về sự nỗ lực không mệt mỏi, tinh thần, ý chí Việt Nam

Phát biểu tại hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 30/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá rằng: Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có thể nói là toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực, tốt hơn năm 2018.  Trước đó, Tổng Bí thư cũng từng nêu rõ, sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cơ đồ đất nước chưa bao giờ có được như ngày hôm nay”.

Kiên trì mục tiêu 2020

Bước vào năm 2020, năm có ý nghĩa quyết định hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra. Nhận thức rõ tầm quan trọng này, phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đều nhấn mạnh rằng: không ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Việt Nam phải bảo đảm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng với tinh thần chung là chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2019.

Trong quyết tâm chung đó, nhiệm vụ đầu tiên là phải phát triển kinh tế. Cụ thể, Việt Nam sẽ tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Chính phủ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Năm 2020, Việt Nam phải có đột phá trong áp dụng cách mạng 4.0, đó là kinh tế số, kinh tế chia sẻ, tài chính thông minh, thương mại điện tử, khởi nghiệp sáng tạo… Đây là yếu tố then chốt cơ cấu lại nền kinh tế, là dư địa tăng trưởng tốt.

Cũng ngay trong những ngày đầu năm 2020, Chính phủ đã ban hành hai Nghị quyết quan trọng về chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hai Nghị quyết này được coi là xương sống, là điểm nhấn cho công tác chỉ đạo, điều hành xuyên suốt và thống nhất ngay từ đầu năm của Chính phủ Việt Nam.

Vận hội mới đang mở ra với kinh tế Việt Nam trong năm 2020. Những quyết tâm, nỗ lực, sự thống nhất trong hành động từ trung ương đến địa phương, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp sức cho kinh tế Việt Nam cán những mốc mới năm 2020.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu