Phát triển bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 – 2020 nhằm mục tiêu tăng trưởng bền vững
Phát triển bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau - ảnh 1 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung phát biểu tại kỳ họp

Ngày 17/7, đại diện Việt Nam vừa chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc lồng ghép các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào quá trình xây dựng Kế hoạch và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại kỳ họp cấp cao của Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), ở trụ sở LHQ tại New York , Mỹ. Các thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội trong Báo cáo tự nguyện của Việt Nam về thực hiện các SDGs năm 2018 tại kỳ họp này được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 – 2020 nhằm mục tiêu tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Đây chính là định hướng quan trọng để Việt Nam đạt được những thành quả ấn tượng trong phát triển bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau trong suốt thời gian qua. 

Tình hình phát triển bền vững ở Việt Nam

Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 – 2020 của Việt Nam có những mục tiêu cơ bản. Về kinh tếduy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; phát triển bền vững các vùng và địa phương.

Ông Lê Quang Mạnh,Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: "Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc hết sức tích cực trong việc thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Chúng tôi đã có cách tiếp cận tương đối toàn diện, cân bằng, tích hợp các khía cạnh phát triển khác nhau, phát triển bền vững trong các chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, kể cả chiến lược phát triển kinh tế xã hội hiện nay và kế hoạch 2030."

Việc triển khai tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020 đạt được kết quả đáng khích lệ. Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 8 năm qua đạt gần 6,5%. Riêng trong năm 2018, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,08%; quy mô nền kinh tế đạt trên 240 tỷ USD; GDP bình quân đầu người đạt 2.587 USD. Cơ cấu kinh tế có những bước biến đổi tích cực; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu GDP ngày càng tăng; khu vực nông nghiệp trong cơ cấu GDP ngày càng giảm; an ninh lương thực được bảo đảm. Về xã hội, sự nghiệp giáo dục có bước phát triển, chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo đạt tới 20% tổng chi ngân sách.

Từ năm 2011, tất cả các tỉnh, thành phố của Việt Nam đã đạt chuẩn giáo dục trung học cơ sở, đạt kết quả tích cực trong giải quyết việc làm; thực hiện chiến lược dạy nghề gắn với tạo việc làm. Trong năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2%; bất bình đẳng theo thước đo hệ số GINI (hệ số bất bình đẳng thu nhập) về tiêu dùng tăng, nhưng ở mức tương đối thấp trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam được đánh giá là nước hoàn thành nhiều (6/8) nhóm mục tiêu Thiên niên kỷ. Trong năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều ước tính chỉ còn 6,8%. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong năm 2017 là 0,694, thuộc nhóm trung bình cao trong tổng số 189 quốc gia. 

Định hướng phát triển bền vững trong thời gian tới

Trong những năm tới, Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường phát triển bền vững nhưng quan trọng nhất là phát triển kinh tế nhanh gắn với phát triển bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế nhưng không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá, coi trọng bảo đảm đạt được những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế theo hướng bền vững, như: GDP bình quân đầu người, tỷ trọng giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo và công nghiệp thông tin hiện đại, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng nông nghiệp công nghệ cao, tỷ lệ đô thị hóa. Mục tiêu là  giải quyết hài hòa giữa phát triển trước mắt và lâu dài; giữa phát triển kinh tế nhanh và phát triển bao trùm về xã hội - văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thân thiện với môi trường, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Để  triển khai tốt định hướng này, Việt Nam đã công bố Bộ chỉ tiêu Thống kê Phát triển bền vững của Việt Nam.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết: Bộ chỉ tiêu phát triển bền vững có ý nghĩa phản ánh được tất cả nét đặc trưng của nền kinh tế và xã hội của đất nước. Đặc biệt chỉ tiêu này bao gồm 158 chỉ tiêu của 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể. Các mục tiêu cụ thể trong bộ chỉ tiêu này bao gồm rất nhiều chỉ tiêu ở mảng xã hội như nhóm chỉ tiêu về xóa đói, giảm nghèo, về bình đẳng… Các chỉ tiêu này đều có đầy đủ bộ thông tin thống kê phục vụ các bộ, ngành, các tầng lớp, đánh giá thực được phát triển kinh tế xã hội để làm mục tiêu xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, đặc biệt đối với những người nghèo, những người yếu thế. 

Việt Nam đã duy trì được mức tăng trưởng khá cao trong thời gian dài, tăng trưởng đi đôi với thành tích ấn tượng về xóa đói giảm nghèo và góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với phát triển bao trùm ở các lĩnh vực khác. Thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này luôn được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu