Hội thảo “APEC về đào tạo kỹ năng đổi mới sáng tạo vì tương lai việc làm bao trùm trong kỷ nguyên số”

Chia sẻ
(VOV5) - Chính phủ phải đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, nhanh và bền vững...

Hội thảo “APEC về đào tạo kỹ năng đổi mới sáng tạo vì tương lai việc làm bao trùm trong kỷ nguyên số” - ảnh 1

Các đại biểu tham dự hội thảo - Ảnh: chinhphu.vn

Hội thảo diễn ra ngày 18/7, tại Hà Nội, do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội tổ chức. Sự kiện là nhằm tiếp tục thúc đẩy các kết quả chính của Năm APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số đã được Lãnh đạo APEC thông qua năm 2017, góp phần vào việc triển khai các ưu tiên của Năm APEC 2019 về tăng trưởng bao trùm và xã hội số. Tham dự Hội thảo có sự tham dự của đại diện các tổ chức quốc tế, các nước thành viên APEC và đại diện các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam.

Hội thảo “APEC về đạo tạo kỹ năng đổi mới sáng tạo vì tương lai việc làm bao trùm trong kỷ nguyên số” diễn ra vào một thời điểm quan trọng đối với APEC khi năm nay là năm kỷ niệm 30 năm APEC. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để các nước thành viên xem xét tiến bộ đã đạt được và vạch ra con đường cho APEC trong nhiều thập kỷ tới, đặc biệt là trong các lĩnh vực tăng trưởng bao trùm và bền vững, phát triển nguồn nhân lực, kinh tế, tài chính và xã hội.

Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC, bà Rebecca Sta Maria, cho rằng: "Để đạt được mục tiêu khu vực về phát triển kinh tế bao trùm phải có được chính sách giáo dục và phát triển nguồn nhân lực đúng đắn. Trong bối cảnh những thách thức mà kỷ nguyên số và nền kinh tế số đặt ra, các nền kinh tế APEC đã đặt ra 3 ưu tiên là tương lai việc làm trong kỷ nguyên số, đào tạo kỹ năng và bảo trợ xã hội. Để tiếp tục phát triển ấn tượng như thời gian qua, APEC buộc phải xử lý được những tác động của kỷ nguyên số đang nổi lên cũng như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Và Chi-lê cũng dã nêu bật được ưu tiên này trong chủ đề Hội nhập 4.0 ".

Cũng giống như các quốc gia thành viên APEC khác, Việt Nam đang gặp phải những khó khăn thách thức lớn về nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều này buộc Chính phủ phải đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, nhanh và bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực, cũng như tất cả các nền kinh tế thành viên.

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: "Việt Nam luôn duy trì chính sách đối ngoại hội nhập quốc tế sâu rộng và ngoại giao đa phương chủ động, trong đó phát triển nguồn nhân lực chất lượng tiếp tục là một trong ba bước đột phá quan trọng trong giai đoạn phát triển chiến lược mới của Việt Nam. Chúng tôi cam kết hợp tác với các thành viên APEC để truyền động lực cho chương trình nghị sự của APEC về tăng trưởng bền vững và toàn diện cũng như tạo môi trường thuận lợi cho người dân của chúng tôi hưởng lợi đầy đủ từ việc chuyển đổi kỹ thuật số".

Triển vọng kinh tế thế giới sẽ có những thay đổi to lớn trong vòng 10-15 năm tới. Vì thế, việc tổ chức Hội thảo lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp tạo cơ hội cho đại diện các nền kinh tế APEC, các tổ chức, cơ quan liên quan tăng cường trao đổi kinh nghiệm, đồng thời thúc đẩy hợp tác, sự ủng hộ giữa các nước thành viên về đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo kỹ năng trong kỷ nguyên số.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu