Phát triển Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ mạnh về kinh tế biển, giàu từ biển

Vân - Bình
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam sẽ tận dụng những lợi thế sẵn có, kết hợp với sự chủ động của chính quyền các cấp, góp phần mạnh lên từ kinh tế biển, giàu từ biển.

Phát triển kinh tế biển để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển, giàu từ biển là chủ trương nhất quán của lãnh đạo Việt Nam. Quan điểm này một lần nữa được nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 26 về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 được tổ chức vừa qua. Theo đó, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phải mạnh về kinh tế biển, giàu từ biển.

Phát triển Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ  mạnh về kinh tế biển, giàu từ biển - ảnh 1Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị xác định: Đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh hoá đến Bình Thuận. Diện tích tự nhiên toàn Vùng chiếm gần 29% diện tích của cả nước, với bờ biển dài gần 1.800 km, chiếm hơn 55% bờ biển Việt Nam (3.260 km), và nhiều cảng nước sâu, các đảo, cụm đảo và quần đảo quan trọng như Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn, Cù Lao Chàm...

Nội hàm của kinh tế biển được đặt rất trọng tâm

14 tỉnh, thành của Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đều là những địa phương tiếp giáp với biển và có mặt tiền tiếp giáp với biển Đông vì vậy, kinh tế biển có vị trí vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của vùng, cả về kinh tế, xã hội cũng như đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Nghị quyết 26 xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phải là vùng phát triển năng động, nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và CHDCND Lào.

Phát triển Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ  mạnh về kinh tế biển, giàu từ biển - ảnh 2Bến cá Xuân Hải (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên). Ảnh minh họa: TTXVN

Đến năm 2045, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là một vùng phát triển nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực Châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại và hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết: "Những nội hàm của kinh tế biển được đặt rất trọng tâm. Vùng được xác định phải là một vùng phát triển dựa trên những nguồn lợi của từ kinh tế biển, mạnh lên về biển, giàu lên vì biển, đặc biệt là khai thác và phát huy các tiềm năng kinh tế biển phải gắn liền với việc xây dựng, hoàn thiện các hệ thống các hành lang kinh tế để Việt Nam có các khu kinh tế ven biển thật sự phát triển".

Trước đó, tháng 7/2022, Chính phủ cũng phê duyệt Đề án Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030. Đề án xác định phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Bắc Trung Bộ với khu vực trọng điểm phát triển là ven biển Nghệ An - Hà Tĩnh gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế. Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Trung Trung Bộ với khu vực trọng điểm phát triển ở Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á. Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Nam Trung Bộ với khu vực trọng điểm phát triển ở Khánh Hòa - Nam Phú Yên gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế cao ở Đông Nam A. Với mỗi cụm liên kết ngành này, Đề án đưa ra những ngành, lĩnh vực ưu tiên để phát huy lợi thế địa hình, tài nguyên sẵn có.

Sự chuyển mình của các địa phương

 Nhận thức rõ lợi thế địa lý thuận lợi cùng tiềm năng phong phú để phát triển kinh tế biển, thời gian qua, nhiều địa phương đã có các bước đi cụ thể. Tại Quảng Bình, ngoài khu kinh tế Hòn La, tỉnh đã lập quy hoạch, tiến hành đầu tư và kêu gọi đầu tư các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển mới, như Khu công nghiệp Tây Bắc Quán Hàu, Cam Liên, khu đô thị sinh thái Quang Phú, Bảo Ninh, Hải Ninh... theo hướng tiếp cận mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Tại Khánh Hòa, ước tính các ngành kinh tế biển hiện đóng góp hơn 80% GRDP của tỉnh và nguồn thu từ dịch vụ-du lịch chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu kinh tế. Hiện nay, 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa gắn liền với 3 vịnh biển nổi tiếng là Vân Phong, Cam Ranh và Nha Trang. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, cho biết: "Khánh Hòa sẽ có thay đổi về cơ cấu kinh tế trong 5 năm tới với việc hình thành các khu công nghiệp hiện đại, phát triển nông nghiệp chất lượng cao, sản phẩm du lịch mới. Khu Kinh tế Vân Phong còn dư địa rất lớn, với 150.000ha với quy hoạch rõ ràng, hiện đại, chắc chắn Vân Phong sẽ trở thành điểm đến rất hấp dẫn, đây là một Khu kinh tế mở, với cảng nước sâu.  Chúng ta cũng có huyện đảo Trường Sa với ngư trường rộng lớn, khi phát triển nên chú trọng xem ngư trường Trường Sa là một địa chỉ đến để khai thác, chế biến, kể cả nuôi trồng". 

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho biết, Khu kinh tế Nam Phú Yên, một trong tám khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước, đã được đầu tư hạ tầng tương đối đồng bộ. Ngoài cảng biển Vũng Rô được đầu tư, nâng cấp, Phú Yên còn quy hoạch cảng biển nước sâu Bãi Gốc có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng đến 50.000 tấn.

Để phát huy có hiệu quả tiềm năng của biển trong thế kỷ XXI, Việt Nam sẽ tận dụng những lợi thế sẵn có, kết hợp với sự chủ động của chính quyền các cấp, góp phần mạnh lên từ kinh tế biển, giàu từ biển.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu