Phát huy vai trò của phát thanh trong đời sống

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Trước khi các công nghệ truyền thông đa phương tiện phát triển, radio là phương tiện hiệu quả nhất để truyền tới mọi người những thông tin hàng ngày. 

(VOV5) - Trước khi các công nghệ truyền thông đa phương tiện phát triển, radio là phương tiện hiệu quả nhất để truyền tới mọi người những thông tin hàng ngày. Ngày nay, khi công nghệ phát triển, nhiều loại hình truyền thông ra đời, phát thanh vẫn có một vai trò nhất định trong nhu cầu nắm bắt thông tin của người dân. 

Phát huy vai trò của phát thanh trong đời sống - ảnh 1
Ngày Phát thanh Thế giới 13/2 (ảnh: UNESCO)

Ra đời từ năm 1945, với vai trò là cơ quan ngôn luận quan trọng của Đảng, Nhà nước Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam là phương tiện truyền tải những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tới Đảng và Nhà nước. Trong những năm kháng chiến, chiếc radio và hệ thống truyền thanh cơ sở góp phần không nhỏ trong việc cổ vũ tinh thần chiến đấu cho quân và dân Việt Nam. Cũng từ những chiếc loa, đài này, tin thắng trận mùa xuân năm 1975 được truyền đi khắp nơi. Cùng với sự pháy triển của đất nước, hiện nay, Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan báo chí duy nhất hội tụ đủ 4 loại hình truyền thông: phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử. Đài Tiếng nói Việt Nam hiện dã phủ sóng 99,5% lãnh thổ Việt Nam và hấu hết lãnh hải Việt Nam trên biển Đông, với tổng thời lượng phát sóng các chương trình trên 200 giờ/ngày, truyền tải thông tin tới mọi người dân Việt Nam. Đài Tiếng nói Việt Nam có 5 Hệ phát thanh gồm: Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1), Hệ Văn hóa – Đời sống – Khoa giáo (VOV2), Hệ Âm nhạc và Giả trí (VOV3), Hệ Phát thanh dân tộc với 12 thứ tiếng phục vụ đồng bào dân tộc ít người (VOV4), Hệ Phát thanh Đối ngoại (VOV5) với 12 thứ tiếng dành cho các thính giả người nước ngoài, trong đó có chương trình phát thanh bằng tiếng Việt dành cho cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng có hệ thống 5 cơ quan thường trú trong nước và 9 cơ quan thường trú tại 9 quốc gia trên thế giới cập nhật kịp thời các thông tin về Việt Nam và thế giới. Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ: “Đài Tiếng nói Việt Nam với câu nói: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát đi từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” chính là niềm tự hào, quyết tâm của Đảng, Chính phủ Việt Nam. Đài Tiếng nói Việt Nam, là tiếng nói của quê hương, của Tổ quốc. Đây là cơ quan truyền thông chính thống của quốc gia, một cơ quan có bề dày lịch sử, có truyền thống rất anh hùng. Đảng, Nhà nước và Chính phủ mong muốn làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam không những chỉ lan tỏa ở khắp các vùng miền ở trong nước mà còn vươn ra khắp năm châu trên thế giới”.

Đặc biệt, từ ngày chương trình phủ sóng phát thanh biển Đông giai đoạn 1 của Đài Tiếng nói Việt Nam được triển khai, những người ngư dân rất phấn khởi. Đây cũng là chương trình được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao bởi hiệu quả tuyên truyền sâu rộng, giúp khoảng một triệu ngư dân Việt Nam nắm được nguồn thông tin đa chiều về các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; cũng như tăng cường khả năng tránh trú bão, cứu hộ, cứu nạn trên biển,.

Phát huy vai trò của phát thanh trong đời sống - ảnh 2

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam. Không chỉ là một kênh thông tin đạt hiệu quả trong nước, phát thanh còn phát huy vai trò là cầu nối giữa Việt Nam với những người con xa quê hương. Chương trình phát thanh cho đồng bào ở xa Tổ quốc của Hệ Phát thanh Đối ngoại, Đài Tiếng nói Việt Nam, như một người bạn thân thuộc của những người con xa xứ, với tầm phủ sóng tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ông Lê Văn Duyên, 84 tuổi, Việt kiều sống tại thành phố San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ, cho biết:  “Vào những giờ đài phát thanh, tôi theo dõi tin tức về Việt Nam. Tôi và các con tôi muốn nghe những tin tức, theo dõi về mọi cách sinh hoạt, về chính trị, văn hóa, về văn nghệ. Đài phát thanh phát những bài hát về dân tộc, đêm nào vợ chồng tôi cũng nghe cả. Tôi cũng mong đến giờ đó. Nếu có những gì chưa được am tường, chính Đài Tiếng nói Việt Nam cung cấp thông tin cho tôi.”

Qua làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, những hình ảnh về một Việt Nam tươi đẹp, người dân Việt Nam chan hòa, thân thiện đến được với bè bạn quốc tế. Nghe các chương trình của Hệ Phát thanh Đối ngoại (VOV5), Đài Tiếng nói Việt Nam, đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của những thính giả nước ngoài yêu mến chương trình radio được phát đi từ Việt Nam. Hiện nay, nội dung các chương trình của VOV5 còn được đăng tải trên trang web www.vovworld.vn càng giúp thính giả nước ngoài có thêm nhiều cách tiếp cận thông tin từ Việt Nam. Với tình cảm dành cho các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, các thính giả đã thành lập câu lạc bộ những người yêu chương trình phát thanh của VOV5. Một thính giả người Indonesia cho biết: “Những thông tin do Đài Tiếng nói Việt Nam cung cấp có nội dung chân thật. Tôi rất thích. Những vấn đề mà các thính giả Indonesia rất quan tâm tới đó là văn hóa và sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi còn rất thích các chương trình ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam vì nó rất đặc trưng. Cuộc sống thường nhật, các vấn đề về làng quê của Việt Nam rất thú vị. Đó thường là những chủ đề mà chúng tôi thường bàn tới mỗi khi gặp nhau. ”

Những lá thư, tấm thiệp, những lời động viên khích lệ của các thính giả nước ngoài chính là niềm vui để các phóng viên, biên tập viên của VOV5 nói riêng và Đài Tiếng nói Việt Nam nói chung có thêm động lực để phục vụ các thính giả nước ngoài, như một sự tri ân tới những người bạn lâu năm.

Hiện nay, các phương tiện truyền thông đa phương tiện đang không ngừng phát triển mạnh mẽ. Thể loại báo phát thanh cũng gặp phải không ít những cạnh tranh. Tuy nhiên với những lợi thế về khả năng truyền dẫn thông tin, đầu tư ít tốn kém, báo phát thanh vẫn là một kênh thông tin hữu hiệu với nhu cầu của mọi người dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu