Phát huy tinh thần độc lập tự chủ trong phục hồi và phát triển kinh tế

TH: Nguyên Nhung, BT: Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Tinh thần “độc lập, tự chủ” đã đưa Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á cách đây 77 năm.

Kinh tế Việt Nam đã và đang phục hồi và phát triển ngoại mục sau những khó khăn kép do đại dịch Covid-19 gây ra trong hai năm qua. Đây chính là kết quả của việc phát huy tinh thần độc lập tự chủ xuyên suốt trong lịch sử, kể từ khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập ngày 2/9/1945 đến nay.

77 năm kể từ ngày thành lập nước 2/9/1945 đến nay, nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở ngày càng cao và tăng lên tương đối nhanh, không chỉ khai thác được thế mạnh trong nước mà còn tranh thủ được thị trường thế giới. Đầu tư trực tiếp nước ngoài trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho sự phát triển kinh tế- xã hội, có tác dụng to lớn trong việc thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao năng lực quản lý và trình độ công nghệ cho nền kinh tế.

Phát huy tinh thần độc lập tự chủ trong phục hồi và phát triển kinh tế  - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn: VOV

Năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam đạt trên 4.000 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt trên 38.900 triệu USD, gấp hơn 24 lần so với năm 1990. Sau 36 năm đổi mới, Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế. Từ khi gia nhập WTO năm 2006 đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA khu vực và song phương. Việc tham gia và thực thi các FTA mang lại những cơ hội lớn cho Việt Nam, tác động tích cực tới phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm...

Đang trong đà tăng trưởng, GDP năm 2019 là 7,2%, làn sóng đại dịch Covid 19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất ngưng trệ, kéo lùi tăng trưởng của Việt Nam xuống còn dưới 3%, trong khi các quốc gia khác đạt mức tăng trưởng âm. Trước thực trạng đó, Việt Nam đã thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế. Hơn lúc nào hết, yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phục hồi nhanh, phát triển bền vững trong bối cảnh "bình thường mới" đã được Đảng, nhà nước đặt ra. Đây thực sự là chủ trương phù hợp thực tế và là bước đi bền vững của kinh tế đất nước. Bởi chỉ có tăng cường được nội lực mới đảm bảo được độc lập, tự chủ và thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế thành công, nhất là trong giai đoạn khó khăn, đó thực sự là giải pháp căn cơ đã được minh chứng qua nhiều giai đoạn phát triển của đất nước.

Chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đúng hướng và hiệu quả, tạo niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có trên 76 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký gần 515 nghìn lao động, tăng 13,6% về số doanh nghiệp và tăng 6,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước; tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 2.730 nghìn tỷ đồng, tăng 30,3%. Nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì số doanh nghiệp tham gia thị trường 6 tháng đầu năm 2022 đạt 116,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước... Về sự phục hồi này, ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, cho rằng: “Việt Nam tăng trưởng 2,58% trên nền năm 2020 tăng trưởng 2,91%. So với năm 2019 trước khi vào đại dịch, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 5,56%, còn kinh tế thế giới chỉ có 1,9%. Kết quả đó là như không tưởng nếu chúng ta nhớ lại năm 2021 diễn biến dịch vô cùng phức tạp, hàng loạt các doanh nghiệp đóng cửa, người lao động rời bỏ các trung tâm kinh tế kéo về quê. Ít ai dám mơ đến con số thu ngân sách vượt 16,8% so với kế hoạch của năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022 đã vượt 57%. Với triển vọng ổn định và dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2022 có thể đạt 6,9%.”

Chỉ có tăng cường được nội lực mới đảm bảo được độc lập, tự chủ và thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế thành công, nhất là trong giai đoạn khó khăn, đó thực sự là giải pháp căn cơ đã được minh chứng qua nhiều giai đoạn phát triển của đất nước. 

Hoạt động kinh tế sôi động của Việt Nam là yếu tố thu hút sự chú ý của các công ty châu Âu và Việt Nam đã có những tín hiệu đáng mừng, khi trở thành điểm đến của dòng vốn FDI. Với việc nhận giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 2/2022 của tập đoàn Lego, nhà máy Lego ở Việt Nam là dự án lớn nhất từ trước đến nay của tập đoàn này, hay việc tập đoàn đối tác lớn của Apple tiếp tục đầu tư thêm 300 triệu USD vào Việt Nam, cho thấy vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang ngày càng chất lượng. Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó viện trưởng viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết: “Tại Đại hội lần thứ 13 của Đảng, Đảng cộng sản Việt Nam xác định xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Để tăng cường tiềm lực kinh tế, Đảng ta chủ trương phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và đưa nước ta trở thành nước công nghiệp. Đảng ta cũng nhấn mạnh là phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài, chủ động hội nhập quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững.”

Tinh thần “độc lập, tự chủ” đã đưa Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á cách đây 77 năm. Tinh thần ấy vẫn luôn sáng mãi trong bối cảnh phục hội kinh tế sau đại dịch và xung đột trên thế giới, để từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng một nước Việt Nam phát triển hùng cường.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu