Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức triển vọng ổn định

Chia sẻ
(VOV5) - Theo đánh giá của Moody’s, sức mạnh kinh tế của Việt Nam được củng cố bởi năng lực cạnh tranh ngày càng nâng cao.

Ngày 6/9, Bộ Tài chính cho biết Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định. Việc Moody’s nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Ba2 phản ánh đánh giá của Tổ chức này về sức mạnh kinh tế ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu của Việt Nam trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài.  Kết quả nâng hạng cũng phản ánh nền tảng tài khóa vững chắc và sự điều hành chính sách tài khóa cẩn trọng và thanh khoản của danh mục nợ Chính phủ được cải thiện.

Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức triển vọng ổn định - ảnh 1Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định. Ảnh minh họa: chinhphu.vn

Theo đánh giá của Moody’s, sức mạnh kinh tế của Việt Nam được củng cố bởi năng lực cạnh tranh ngày càng nâng cao và việc tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năng lực cạnh tranh tăng trong khu vực sản xuất chế biến chế tạo của Việt Nam thể hiện hiệu quả vượt trội so với các quốc gia cùng mức xếp hạng trong khu vực và đã góp phần cải thiện thu nhập ngày càng tăng của người dân. Việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại song phương và khu vực đã khẳng định vị thế ngày càng mở rộng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Moody’s đánh giá các Hiệp định thương mại tự do này sẽ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam đối với danh mục hàng hóa với giá trị gia tăng thấp hơn; đồng thời, củng cố vững chắc vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng đối với mặt hàng công nghệ có giá trị gia tăng cao.

Hiệu quả thực thi chính sách tài khoá của Việt Nam được Moody’s ghi nhận là một trong những yếu tố chính đóng góp vào quyết định nâng hạng. Chính phủ đã triển khai kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn, tập trung huy động vốn trong nước từ các nhà đầu tư tổ chức với chi phí thấp, kỳ hạn dài và tiếp tục duy trì thành quả kiểm soát tỷ lệ nợ trên GDP ổn định, thấp hơn tỷ lệ các năm trước và dưới mức trần 60%, trong khi đó vẫn điều hành chính sách tài khoá linh hoạt để hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và là 1 trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu