Pakistan và những thách thức được báo trước

Chia sẻ
(VOV5) - Một ngày sau khi tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử 11/5, cựu Thủ tướng Nawaz Sharif bắt tay ngay vào việc thảo luận thành lập chính phủ với một số nghị sĩ độc lập và xem xét một số vị trí Bộ trưởng chủ chốt trong nội các Pakistan. Hành động khẩn trương của ông Nawaz cũng dễ hiểu vì hơn ai hết, ông Nawaz biết rõ những thách thức lớn đang chờ đợi nội các mới giải quyết, mà thách thức hàng đầu là khôi phục kinh tế, song song với đó là vấn đề an ninh.  

Một ngày sau khi tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử 11/5, cựu Thủ tướng Nawaz Sharif bắt tay ngay vào việc thảo luận thành lập chính phủ với một số nghị sĩ độc lập và xem xét một số vị trí Bộ trưởng chủ chốt trong nội các Pakistan. Hành động khẩn trương của ông Nawaz cũng dễ hiểu vì hơn ai hết, ông Nawaz biết rõ những thách thức lớn đang chờ đợi nội các mới giải quyết, mà thách thức hàng đầu là khôi phục kinh tế, song song với đó là vấn đề an ninh. 

Pakistan và những thách thức được báo trước - ảnh 1
Cựu Thủ tướng Nawaz Sharif vẫy chào những người ủng hộ mừng chiến thắng tại thành phố Lahore. (Ảnh: TTXVN)

Cựu Thủ tướng Nawaz Sharif từng thừa nhận ông tiếp quản đất nước Pakistan trong một tình trạng hỗn độn. Thật vậy, nhìn vào bức tranh tổng quan về đất nước Nam Á này sẽ thấy vấn đề gây thất vọng lớn với người dân trong suốt thời gian qua là kinh tế. Nền kinh tế gần như kiệt quệ, tỷ lệ thất nghiệp cao, sản xuất trì trệ. Khủng hoảng năng lượng khiến nhiều vùng ở Pakistan bị cắt điện tới 20 giờ mỗi ngày. Số liệu thống kê cũng cho thấy 5 năm qua, quốc gia Nam Á với khoảng 190 triệu dân luôn trong tình trạng tăng trưởng thấp khi mức tăng trung bình chưa tới 3%/năm trong 3 năm. Mỗi năm 2 triệu lao động không có việc làm. Đây chính là nguyên nhân khiến chính phủ tiền nhiệm bị chỉ trích mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Pakistan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán. Năm ngoái, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội của Pakistan đã giảm gần 3% trong khi lạm phát lên tới khoảng 11%. Hiện nay, các nhà lãnh đạo quốc gia Nam Á này dự kiến kiềm chế thâm hụt ngân sách ở mức khoảng 4,7% GDP trong năm tài chính này, song hầu hết các nhà phân tích cho rằng thâm hụt có thể cao hơn nhiều. Họ khuyến cáo chính phủ mới có thể phải viện tới sự cứu trợ cả gói hàng tỷ USD của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).


Ngoài ra làn sóng cực đoan và chủ nghĩa khủng bố đang hiển hiện từng ngày ở đất nước Hồi giáo này. Ngay trong ngày bầu cử 11/5, đã có ít nhất 32 người thiệt mạng và 224 người bị thương trong hơn 40 vụ tấn công bạo lực trên khắp Pakistan. Nếu tính cả 22 ngày vận động tranh cử, con số thương vong còn cao hơn nhiều, khi có tới hơn 110 người thiệt mạng, trong đó có 3 ứng cử viên và hơn 350 người bị thương trong các vụ đánh bom và xả súng.


Là người có thâm niên trên chính trường Pakistan với 2 lần nắm giữ chức Thủ tướng trước đó, nên ông Nawaz Sharif hiểu rõ những vấn đề bức xúc trong xã hội Pakistan. Cũng chính vì vậy mà vị cựu Thủ tướng này đã đưa ra khẩu hiệu “Nền kinh tế mạnh - Pakistan mạnh”. Để làm được việc này mục tiêu chính của chính phủ mới ở Pakistan sẽ là thúc đẩy kinh tế, đấu tranh chống tham nhũng và tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Ông Nawaz Sharif cũng cam kết thúc đẩy một nền kinh tế thị trường tự do, duy trì chính sách tư nhân hóa, giảm giá điện.


Phát biểu trước những người ủng hộ sau khi chiến thắng, ông Nawaz Sharif kêu gọi hoà giải khi đề nghị tất cả các đảng cùng ngồi vào bàn thương lượng và giải quyết những vấn đề của đất nước. Trước đó, ông Nawaz Sharif đã công khai kêu gọi đối thoại với Taliban, phong trào Hồi giáo cực đoan đã gây ra các vụ bạo lực có liên quan đến bầu cử, coi đây là biện pháp để chấm dứt tình trạng nổi loạn kéo dài gần 7 năm qua tại Pakistan.


Không khí tại Pakistan sau bầu cử được mô tả như lễ hội. Người dân bày tỏ vui mừng trước cơ hội đất nước sẽ thay đổi trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự đổi thay có đến hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào khả năng chèo lái của ông Nawaz Sharif, người đã từng 2 lần làm Thủ tướng ở quốc gia Hồi giáo này trong những năm 90 của thế kỷ trước./. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu