Chính trường nước Mỹ vừa trải qua cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ có sức cạnh tranh gắt gao nhất trong nhiều năm qua. Cuộc đua tranh để giành ghế trong Hạ viện và Thượng viện Mỹ khép lại cũng là lúc nước Mỹ quay lại thực tại để đối phó với những thách thức hiện hữu.
Tổng thống Donald Trump trong một buổi diễn thuyết kêu gọi ủng hộ trước cuộc bầu cử quốc hội - Ảnh: Reuters |
Trong cuộc bầu cử quan trọng này, cử tri Mỹ đã bầu lại toàn bộ Hạ viện, 1/3 ghế tại Thượng viện, 36 vị trí thống đốc bang, cùng khoảng 6.000 ghế trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn quốc. Trước bầu cử, cả Hạ viện và Thượng viện đều do đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump nắm quyền kiểm soát.
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay được ví như một cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn, đánh giá mức độ tín nhiệm của người dân đối với cá nhân Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa, cũng như đối với định hướng của nước Mỹ, quan hệ chủng tộc, xã hội và uy tín của nước Mỹ trên thế giới.
Cuộc đua gay cấn
Trước bầu cử, Đảng Cộng hòa quyết bảo vệ thế đa số cả thượng và hạ viện trong bối cảnh đảng Dân chủ tấn công quyết liệt vào các chính sách của Tổng thống Donald Trump. Trong những ngày vận động tranh cử cuối cùng, những tên tuổi hàng đầu của cả hai bên như Tổng thống Trump, Phó tổng thống Mike Pence, cựu Tổng thống Barack Obama... liên tục đăng đàn để vận động cho đảng mình và chỉ trích đối phương.
Sự cạnh tranh gay gắt giữa 2 đảng lớn ở Mỹ còn thể hiện ở mức chi phí cho vận động tranh cử. Theo thống kê, 2 Đảng đã chi gần 5 tỷ USD cho các hoạt động vận động bầu cử, đây là con số kỷ lục cho một cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ. Phần lớn số tiền tỷ trên được chi cho các quảng cáo trên mọi phương tiện, các cuộc gọi điện thoại tự động hay các tờ rơi.
Và đúng như dự đoán của giới chuyên môn, cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ lần này rất kịch tích. Trong suốt quá trình kiểm phiếu, số phiếu của 2 Đảng giành được ở cả Hạ viện và Thượng viện luôn bám sát nhau, đổi ngôi cho nhau. Sự chênh lệch phiếu là không đáng kể, đặc biệt là ở Hạ viện. Điều này không chỉ cho thấy sự gay cấn trong bầu cử giữa kỳ ở Mỹ mà còn thể hiện sự chia rẽ sâu sắc trong cử tri Mỹ.
Thuận lợi và thách thức
Kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay là phép thử đối với cá nhân Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa. Cử tri ghi nhận sau gần 2 năm kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump giành được nhiều thắng lợi lớn với những quyết định mang tính bước ngoặt. Chính sách cắt giảm thuế đã giúp thúc đẩy nền kinh tế phát triển với mức tăng trưởng ổn định. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 2 quý gần đây nhất tăng trưởng ở mức 4,2% và 3,5%, tỷ lệ thất nghiệp công bố ngày 15/10 giảm còn 3,7% (thấp nhất từ tháng 12/1969). Lòng tin của người tiêu dùng Mỹ đang ở mức cao nhất trong 18 năm, lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ đang tiến gần ngưỡng kỷ lục, Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) liên tục tăng lãi suất dựa trên các đánh giá lạc quan về sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ...
Tựu chung lại, các chính sách kinh tế của ông Trump đã thực sự phát huy tác dụng theo hướng tích cực, tạo ra một cú hích đối với nền kinh tế Mỹ vốn ảm đạm trước đó.
Tuy nhiên bên cạnh những thành công đạt được, một số chính sách của Tổng thống Trump cũng gây ra những tranh cãi trong nội bộ chính trị nước Mỹ. Việc Mỹ rút khỏi một loạt các thỏa thuận, tổ chức quốc tế hay thể hiện quan điểm ủng hộ mạnh mẽ Israel trong vấn đề Jerusalem... khiến bất đồng nội bộ Mỹ ngày càng sâu sắc. Đặc biệt, gần đây, việc một loạt các chính trị gia, những nhân vật có tầm ảnh hưởng quan trọng, cũng như hãng thông tấn lớn tại Mỹ, bị gửi các bưu kiện có chứa thiết bị gây nổ, khiến bầu không khí chính trị vốn đã ngột ngạt, đầy sự chia rẽ của nước Mỹ trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Đó là chưa kể đến một số vụ xả súng gây thương vong trước thềm bầu cử. Những yếu tố này đang tạo ra tâm lý bất an trong dân chúng. Ngoài ra chính phủ Mỹ còn phải giải quyết những vấn đề bức xúc khác như cắt giảm chi phí y tế, tăng lương và chống tham nhũng….
Nước Mỹ trước bầu cử đã tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết. Và sau bầu cử là sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Mỹ về đường hướng lãnh đạo đất nước. Hiện giờ điều mà các cử tri của cả hai đảng kỳ vọng nhất có lẽ là việc hàn gắn một đất nước hiện còn quá nhiều phân cực, trong bối cảnh môi trường chính trị ở Mỹ đang trong trạng thái chia rẽ nhất kể từ cuộc nội chiến 1861-1865.