Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc phát huy sức mạnh nội lực của Việt Nam

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam, là cội nguồn sức mạnh của mọi thành công, chiến thắng.

Dòng chủ lưu chính trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ xưa tới nay chính là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Đoàn kết dân tộc thấm đẫm vào tư tưởng, tâm hồn của mỗi người con đất Việt, là nội dung tư tưởng chính của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân cũng như trong cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay. Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc 18/11 hằng năm là minh chứng của phương thức củng cố khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, phát huy sức mạnh nội lực nhằm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc phát huy sức mạnh nội lực của Việt Nam - ảnh 1Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong Ngày hội đại đoàn kết dân tộc ở phường Điện biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, ngày 14/11/2022. Ảnh: bqllang.gov.vn

Trong quá trình củng cố, mở rộng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, yêu cầu đặt ra là phải hướng công tác Mặt trận về cơ sở, từng khu dân cư, từng gia đình, xây dựng khối đại đoàn kết từ cá nhân, gia đình, khu dân cư, làm cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam. Xuất phát từ thực tiễn đó, ngày hội đại đoàn kết dân tộc (18/11/1930 – 18/11/2022) ra đời và ngày càng được quan tâm tổ chức với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Đồng loạt tổ chức Ngày hội đại đoàn kết trong cả nước

Những ngày này, hầu khắp các buôn làng, khu dân cư trên địa bàn cả nước đều trang hoàng cờ hoa, liên hoan, biểu diễn văn nghệ, tạo thành nét độc đáo của Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam. Phát biểu trong Ngày hội đại đoàn kết dân tộc ở phường Điện biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ:  đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam, là cội nguồn sức mạnh của mọi thành công, chiến thắng. Trên tinh thần đó Chủ tịch nước mong muốn: “Các cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể cần chủ động nắm bắt dư luận, tâm tư và nguyện vọng của nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân để có ý kiến đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp giải quyết. Đồng thời chăm lo, xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ.”

Sau hơn 2 năm bị  ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, rất đông cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Mường Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) năm nay đã có mặt tại nhà văn hóa xã tham dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với tinh thần phấn khởi, hân hoan. Ông Hà Văn Bến, người dân bản Nà Bó 2, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) cho biết: "Lâu rồi tôi mới đến Uỷ ban nhân dân xã nhà dự Ngày hội. Sau mấy năm dịch bệnh giờ xã cơ bản đã ổn định, phục hồi trở lại. Chúng tôi rất phấn khởi, mọi người sống rất tự hào, phong độ, người già thấy trẻ lại... Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc xã Mường Sang năm nay phải nói là rất đặc biệt, đông vui".

Dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại liên khu dân cư xã Cư prao, huyện M’drak, ông Y Biêr Niê, Phó Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk, cho biết tại nhiều buôn làng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc. Đây thực sự là Ngày hội lớn của cộng đồng dân cư với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng mang đậm nét văn hóa truyền thống của đại gia đình các dân tộc trên địa bàn. Ông Y Biêr Niê cho biết: “Mục đích của ngày hội là để bà con mình phát huy những bản sắc của dân tộc và trao đổi, học hỏi những gì tốt đẹp. Trên cơ sở đó có thể lồng một số chính sách, chủ trương mới để tuyên truyền giáo dục cho bà con hiểu biết thêm, từ đó họ gắn kết cuộc sống của cộng đồng với pháp luật của nhà nước để xây dựng quê hương ngày càng tốt đẹp hơn.”

Phát huy vai trò Ngày hội đại đoàn kết trong xây dựng đất nước

Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc đã và đang cho thấy là phương thức ưu việt để củng cố khố đại đoàn kết dân tộc, tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Thông qua ngày hội, các nét văn hóa đặc sắc của các tầng lớp dân cư, các dân tộc trên địa bàn sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Thêm vào đó, tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn của cộng đồng được củng cố, phát huy, góp phần thực hiện tốt các phong trào  xây dựng và phát triển đất nước do Mặt trận đề ra.

Những hoạt động cụ thể của ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư cũng là những yếu tố quan trọng, thiết thực góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thông qua ngày hội, nhiều khu dân cư đã sáng tạo ra các hình thức giúp đỡ nhau như: chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở mang ngành nghề, giải quyết việc làm, thành lập các tổ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đẩy nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nhau về vốn, giống cây trồng, vật nuôi, chăm lo phát triển kinh tế trên địa bàn.

Ngày hội đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư cũng tạo điều kiện cho việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân, góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo  môi trường gắn bó, thân thiết, gần gũi giữa Đảng với Nhân dân. góp phần giúp Đảng ngày càng hoàn thiện hơn nữa phương thức lãnh đạo. Vai trò của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã và đang được phát huy trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nên nguồn sức mạnh chung, to lớn của cả cộng đồng, tạo động lực mạnh mẽ để sớm thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu