Ngày chuyển đổi số quốc gia: Hướng tới một quốc gia số ổn định và thịnh vượng

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng chính phủ chính thức phê duyệt năm 2020 đã tạo nền tảng, bước đệm cho quá trình chuyển đổi số một cách hệ thống và toàn diện ở Việt Nam.

Hôm nay (10/10) là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Với chủ đề "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị", Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm nay tiếp tục thúc đẩy nhận thức và hành động của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số, đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngày chuyển đổi số quốc gia: Hướng tới một quốc gia số ổn định và thịnh vượng - ảnh 1Chương trình Ngày Chuyển đổi Số Quốc gia 10/10 - Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Chuyển đổi số là tất yếu với nền kinh tế và thị trường Việt Nam hiện nay. Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng chính phủ chính thức phê duyệt năm 2020 đã tạo nền tảng, bước đệm cho quá trình chuyển đổi số một cách hệ thống và toàn diện ở Việt Nam.

Những kết quả tích cực bước đầu của chương trình chuyển đổi số quốc gia

Đến thời điểm hiện tại, Chương trình đã đi được nửa chặng đường, bước đầu đạt được nhiều thành quả tích cực, đóng góp vào sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước hết, đó là nhận thức chuyển đổi số trong toàn xã hội được nâng cao, đặc biệt nhận thức về chuyển đổi số của lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan bộ, ngành, địa phương. Tổ công nghệ số cộng đồng được triển khai ở tất cả các địa phương, giúp người dân hiểu và dễ dàng khai thác, sử dụng hiệu quả các dịch vụ số của chính quyền, doanh nghiệp.

Về hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định cho chuyển đổi số, đến thời điểm này, các quy định, chính sách cho phát triển cả 3 trụ cột của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, gồm: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, đã được ban hành, đưa vào cuộc sống. Có thể kể đến như: Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; Nghị định quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng….

Về xã hội số, trong 8 tháng đầu năm nay, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Hiện, tất cả các địa phương trên cả nước đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính”, với mục tiêu đến năm 2025, số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại tất cả bộ phận “một cửa” các sở, ban, ngành, và các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thành Can, Nguyên phó trưởng khoa tổ chức hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia, cho rằng: "Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính giúp giảm thời gian thực hiện giao dịch về hành chính. Ngoài ra, giúp tiết kiệm chi phí do chúng ta giảm số lượng bộ phận một cửa, giảm chi phí  tái sử dụng giấy tờ tài liệu, giảm thời gian chờ đợi và tiết kiệm các chi phí khác. Điều quan trọng nhất là mang lại sự hài lòng và niềm tin của nhân dân".

Sự chung tay của cả hệ thống trong xây dựng quốc gia số

Dựa trên những kết quả đã đạt được, Việt Nam đang tích cực triển khai chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện, tổng thể, với sự chung tay, đồng hành từ Chính phủ, doanh nghiệp và mỗi người dân. Tại Hội nghị tổng kết chương trình chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm nay diễn ra hồi tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh công cuộc chuyển đổi số phải được triển khai quyết liệt hơn nữa. Theo đó, cần ưu tiên chất lượng hơn số lượng, ưu tiên phát triển dữ liệu, phát triển các dịch vụ công trực tuyến gắn với đời sống người dân, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và có đối tượng bao phủ lớn; ưu tiên phát triển các nền tảng, nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia; ưu tiên bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

Ngày chuyển đổi số quốc gia: Hướng tới một quốc gia số ổn định và thịnh vượng - ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày Chuyển đổi Số Quốc gia (10/10) - Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng chỉ đạo: "Chuyển đổi số là một yêu cầu tất yếu, là một đòi hỏi khách quan. Chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa, phải có đột phá hơn nữa vì nó mang lại lợi ích rất thiết thực cho người dân và cho quốc gia. Chúng ta phải quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai với quan điểm “chuyển đổi số quốc gia là công việc rất lớn, rất chiến lược, nhưng phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể, mục tiêu cụ thể, làm việc nào dứt điểm việc đó. Phải tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện".

Về phía doanh nghiệp, làn sóng chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp cũng đang diễn ra mạnh mẽ, thông qua các nỗ lực đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, cung cấp sản phẩm, dịch vụ số phục vụ nhu cầu xã hội... Đặc biệt, sự ra đời của chương trình Make in Vietnam do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động đã thổi bùng lên khát vọng doanh nghiệp số Việt Nam trong công cuộc nắm bắt và làm chủ công nghệ, không chỉ phạm vi trong nước mà cả toàn cầu.

Với dân số hơn 100 triệu người và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì khu vực, dân số trẻ năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, Việt Nam luôn được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn trong việc chuyển đổi số. Cùng với việc triển khai “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia thường niên cũng nhằm tiếp tục thúc đẩy nhận thức và hành động của toàn xã hội về mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia số ổn định và thịnh vượng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu