Nga và Mỹ gia hạn Hiệp ước New START

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) -  Việc gia hạn hiệp ước này là bước khởi đầu để thế giới có thể củng cố lại chế độ kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Nga và Mỹ vừa chính thức gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New-START), chỉ một ngày trước khi Hiệp ước này hết hiệu lực. Việc gia hạn hiệp ước này là bước khởi đầu để thế giới có thể củng cố lại chế độ kiểm soát vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, quan hệ hai cường quốc có cải thiện hơn nhờ Hiệp ước này là điều các nhà quan sát chú ý.

New START được ký năm 2010 và có hiệu lực năm 2011. Trong đó quy định Mỹ và Nga không được duy trì quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và máy bay ném bom chiến lược. Hiệp ước cũng giới hạn số đầu đạn hạt nhân mỗi bên không quá 1.550. Theo thỏa thuận ban đầu, hiệp ước hết hạn từ ngày 5/2/2021. Tuy nhiên, hai bên đã nhất trí kéo dài hiệp ước thêm 5 năm, đến ngày 5/2/2026.

Tránh nguy cơ chạy đua vũ trang

Việc hiệp ước New START được gia hạn có thể giúp thế giới tránh khỏi một cuộc đua vũ trang giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres lập tức hoan nghênh việc gia hạn hiệp ước, nhấn mạnh đây chính là phương tiện để duy trì các giới hạn có thể xác minh được đối với kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, mong muốn trong 5 năm sắp tới Nga và Mỹ sẽ đàm phán để cắt giảm hơn nữa số lượng vũ khí hạt nhân mà hai nước đang sở hữu, tránh nguy cơ chạy đua vũ trang.

Trong khi đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố tin rằng New START sẽ đóng góp vào sự ổn định quốc tế và các quốc gia thành viên một lần nữa bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc tiếp tục thực hiện hiệp ước, cũng như những cuộc đối thoại tích cực và sớm về các biện pháp cải thiện ổn định chiến lược. Liên minh này vẫn có quyết tâm chung trong việc duy trì các thỏa thuận và cam kết về giải trừ quân bị, kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân. NATO ủng hộ những cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí chặt chẽ hơn, với mục đích cải thiện an ninh của liên minh, đồng thời coi thỏa thuận gia hạn hiệp ước trên là sự khởi đầu của nỗ lực giải quyết các mối đe dọa hạt nhân, những thách thức mới và đang nổi lên đối với sự ổn định chiến lược.

Nga và Mỹ gia hạn Hiệp ước New START - ảnh 1Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga tại cuộc diễu binh Ngày Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ trong ở Moscow ngày 9/5/2020. Ảnh: AP

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Washington không mặn mà với việc gia hạn hiệp ước New START vì cho rằng đây là một sự bất công. Những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm đảm bảo một thỏa thuận kiểm soát vũ khí ngắn hạn hơn với Nga, bao gồm việc đóng băng tất cả các đầu đạn hạt nhân và đưa thêm Trung Quốc vào trong tương lai, cuối cùng đã kết thúc trong bế tắc. Trước đó, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, vị cựu lãnh đạo của đảng Cộng hoà – Tổng thống Joe Biden tỏ ra không vội vàng gia hạn, đồng thời còn muốn mở rộng Hiệp ước này với các quốc gia có vũ khí hạt nhân, đặc biệt là Trung Quốc.

Tín hiệu tích cực và tương lai quan hệ Nga-Mỹ?

Trước mắt, việc gia hạn Hiệp ước thêm 5 năm nữa sẽ cho phép cả hai bên tiếp tục thảo luận về kiểm soát vũ khí, cả chiến lược và chiến thuật, hạt nhân và phi hạt nhân, để đàm phán về sự ổn định chiến lược và có thể là về cắt giảm vũ khí, với sự tham gia của các bên thứ ba vào các cuộc đàm phán này. Không chỉ Trung Quốc mà còn cả các đồng minh NATO của Mỹ là Pháp và Anh.

Các chuyên gia nhận định, việc hiệp ước New START được gia hạn có thể giúp thế giới tránh khỏi một cuộc đua vũ trang giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới, song hầu như không giải quyết được bất kỳ vấn đề tồn đọng nào trong quan hệ Nga - Mỹ. Nội dung thông cáo của Điện Kremlin (Nga) và Nhà Trắng (Mỹ) cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong cách tiếp cận. Trong khi phía Nga hoan nghênh việc gia hạn New START, bày tỏ mong muốn về hợp tác trong nhiều lĩnh vực như đại dịch COVID-19, kinh tế và thương mại, phía Mỹ lại thể hiện sự thận trọng, khi tuyên bố rằng nước Mỹ sẽ cương quyết hành động để bảo vệ lợi ích quốc gia, đáp trả lại các hành động của Nga làm tổn hại Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Tổng thống Biden cũng gọi cho Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, tái khẳng định các cam kết của Mỹ trong việc duy trì NATO như một "thành lũy chặn đứng Nga". Chi tiết này, cộng với cuộc điện đàm vừa diễn ra, cho thấy chính quyền Biden không xem việc cải thiện quan hệ với Nga là ưu tiên hàng đầu.

Thực tế, giữa hai nước còn tồn tại nhiều bất đồng phải mất nhiều thời gian để tháo gỡ. Trong bối cảnh đó, việc gia hạn Hiệp ước New START chỉ là một tín hiệu tích cực, một chỉ dấu cho thấy chính quyền Mỹ muốn giữ nguyên hiện trạng quan hệ với Nga, tránh đối đầu trực tiếp, do vậy hy vọng một thay đổi hoàn toàn trong quan hệ giữa Nga và Mỹ trong tương lai gần là không thể.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu