Đây được coi là bước đi tiếp theo để củng cố an ninh châu Âu, ám chỉ sự tự chủ hơn của châu Âu trong vấn đề an ninh. Cũng như kế hoạch thành lập quân đội chung châu Âu trước đây, tầm nhìn về trụ cột an ninh mới mà Tổng thống Pháp nêu ra khiến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương quan ngại.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng khẳng định Châu Âu không thể tiếp tục phụ thuộc vào Mỹ về vấn đề an ninh. Chúng ta phải dựa vào chính mình. Và với dự kiến tầm nhìn về một châu Âu với sức mạnh quân sự mới mà ông Emmanuel Macron đưa ra tại Hội nghị an ninh Munich tuần qua, là minh chứng cụ thể cho sự tự chủ của châu Âu về an ninh.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Hội nghị An ninh Munich 2020. -Nguồn: EPA |
Tầm nhìn về một châu Âu với sức mạnh quân sự mới
Là cường quốc hạt nhân duy nhất ở Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Pháp đề cập cụ thể đến tài sản hạt nhân của châu Âu và chỉ ra một sự khác biệt chính trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh khi lá chắn hạt nhân của châu Âu chủ yếu được điều phối bởi Mỹ. Ông Macron tin rằng, châu Âu cần phải mạnh mẽ nhiều hơn trong phòng thủ. Việc tăng cường phòng thủ là điều cần thiết vì lý do chủ quyền, chứ không phải là một dự án chống lại hay thay thế NATO. Tổng thống Pháp tin rằng, châu Âu yêu cầu "khả năng hành động" một cách độc lập, các vấn đề hạt nhân cần phải được quản lý khi hợp tác với NATO.
Phát biểu của Tổng thống Pháp phần nào tiếp nối những ý tưởng về bảo vệ an ninh châu Âu mà Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã nêu ra trước đó cũng tại Hội nghị an ninh Munich. Lãnh đạo nước Đức kêu gọi cần xây dựng một “liên minh an ninh và quốc phòng châu Âu,” coi đây như một trụ cột mạnh mẽ của châu Âu trong NATO. Chính phủ Đức sẵn sàng can dự mạnh mẽ hơn, kể về quân sự trong chính sách châu Âu. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer kêu gọi Berlin phải xuất hiện mạnh mẽ hơn trong chính sách an ninh.
NATO không hài lòng
Tuy nhiên, một châu Âu mạnh hơn về quân sự là một ý tưởng khiến NATO không hài lòng. Trước đây, ngay từ khi châu Âu manh nha thành lập quân đội chung, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg từng nhấn mạnh rằng, vấn đề châu Âu phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong an ninh không đồng nghĩa với việc châu Âu sẽ thực hiện trách nhiệm đó một mình mà không có Mỹ. Theo ông Jens Stoltenberg, nỗ lực chủ động hơn về an ninh của châu Âu có thể làm xói mòn mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, làm suy yếu năng lực của NATO. Và lần này, cũng không là ngoại lệ. Trả lời báo chí bên lề Hội nghị an ninh Munich, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg lưu ý rằng NATO hiện nay đã sở hữu phương tiện răn đe hạt nhân tại châu Âu và phương tiện này đã chứng thực khả năng của mình, là sự đảm bảo an ninh cuối cùng cho châu Âu.
Để trấn an NATO, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định đây không phải là một dự án chống lại NATO hay thay thế NATO. Châu Âu muốn tạo thêm một trụ cột an ninh nữa cho châu Âu bên cạnh trụ cột hiện nay là NATO, và cả hai trụ cột này đều hướng tới một mục tiêu chung là “đảm bảo chủ quyền của châu Âu”. Đối với châu
Âu, trách nhiệm an ninh không đơn thuần là gia tăng chi tiêu quốc phòng, mà là khả năng tự chủ của châu Âu trong những vấn đề an ninh cấp bách, không phụ thuộc vào quyết sách của Mỹ.
Tuy nói vậy song có thể thấy châu Âu ngày càng muốn tự chủ về an ninh, tách ra khỏi tầm ảnh hưởng quá lớn từ Mỹ. Điều này cũng phản ánh mối quan hệ không mấy mặn mà giữa châu Âu với Mỹ, hai nhân tố hợp thành NATO.
Dù châu Âu và Mỹ chia sẻ nhiều giá trị chung, từng sát cánh cùng nhau trong nhiều chiến dịch lớn, nhưng “hai đối tác bên hai bờ Đại Tây Dương” vẫn có nhiều lợi ích khác nhau, dẫn đến cách tiếp cận ngày càng khác nhau trong nhiều vấn đề. Đặc biệt, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đã rơi vào tình trạng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Mỹ liên tục gây sức ép các nước châu Âu phải chia sẻ gánh nặng nhiều hơn trong khối liên minh xuyên Đại Tây Dương, đồng thời nhiều cuộc gặp của ông Trump và lãnh đạo các nước châu Âu trong khuôn khổ NATO đều kết thúc thất bại.
Còn các nước châu Âu thì khó chịu về sự chèn ép của Mỹ, hay việc chính quyền Trump đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân JCPOA với Iran, Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga, cũng như các vấn đề về chủ nghĩa đa phương. Châu Âu cũng rất lo lắng Mỹ sẽ rút dần trách nhiệm khỏi khu vực này.
Vì vậy, việc châu Âu chủ động bảo vệ an ninh, hạn chế dần sự phụ thuộc vào Mỹ là điều có thể hiểu được trong bối cảnh hiện nay. Chưa rõ tầm nhìn về một châu Âu với sức mạnh quân sự mới có thành hiện thực hay không nhưng điều này cho thấy châu Âu, hay chí ít là các nước đầu tàu, có vai trò quan trọng ở châu Âu như Pháp, Đức đang có sự thay đổi tư duy trong việc chủ động bảo vệ an ninh.