Quan hệ giữa Nga và phương Tây một lần nữa lại đối mặt với sóng gió sau khi một loạt quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ vừa quyết định trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Nga. Động thái mới nhất này khoét sâu thêm mâu thuẫn đối với mối quan hệ vốn chưa bao giờ êm ả giữa Nga và phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: AFP/TTXVN
|
Ngày 26/3, Mỹ và nhiều nước khác, chủ yếu là các thành viên Liên minh châu Âu (EU), đã tuyên bố trục xuất hơn 110 nhà ngoại giao Nga.
Quyết định trục xuất của Mỹ và các quốc gia châu Âu được đưa ra không lâu sau khi Anh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga để đáp trả vụ cựu đại tá tình báo Nga Sergei Skripal nghi bị đầu độc tại London hôm 4/3 bằng chất độc thần kinh.
Phương Tây theo chân London
Việc Mỹ tuyên bố đóng cửa Lãnh sự quán Nga tại Seattle, trục xuất 60 nhân viên ngoại giao Nga làm việc tại Lãnh sự quán Nga tại Seattle và phái bộ tại Liên hợp quốc được cho là bất ngờ vì trước đó chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những động thái tích cực xây dựng mối quan hệ với Nga.
Cùng lúc với tuyên bố của Hoa Kỳ, 1 loạt các quốc gia khác (chủ yếu là châu Âu) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đưa ra những phát ngôn tương tự, khác chăng chỉ ở con số các nhân viên ngoại giao Nga bị trục xuất. Vụ trục xuất ồ ạt này được coi là cuộc chiến ngoại giao nghiêm trọng nhất giữa Nga với phương Tây kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Tất nhiên giới chức Anh ngay lập tức đã hoan nghênh động thái của các nước, coi đây là tín hiệu mạnh mẽ gửi tới Moscow về việc các nước sẽ “không tha thứ khi Nga tiếp tục phớt lờ luật pháp quốc tế".
Ở phía đối lập, Bộ Ngoại giao Nga đánh giá rằng nhiều nước đã “mù quáng” đi theo lập trường của London về vụ cựu điệp viên mà cho tới bây giờ vẫn chưa có bằng chứng cho thấy Nga có liên quan tới vụ việc. Việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga là hành động sai lầm, mang tính khiêu khích và gây ảnh hưởng tới mối quan hệ quốc tế và cuộc điều tra về vụ việc.
Trong bức tranh chung đó thì cũng còn có 1 số nước ở châu Âu không đi theo phong trào trục xuất tập thể, ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ hay Cộng hòa Áo. Trong khi đó, lãnh đạo đảng cực hữu Liên đoàn ở Italy, Matteo Salvini, người có khả năng trở thành Thủ tướng Italy, cũng khẳng định việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga và nối lại các lệnh trừng phạt Moscow không những không giải quyết được các vấn đề mà còn làm tình hình trở nên trầm trọng hơn.
Bất đồng lên tới đỉnh điểm
Thủ tướng Anh Theresa May từng tuyên bố các biện pháp phối hợp trục xuất nói trên "thể hiện sự sát cánh của các nước trong việc gửi thông điệp mạnh mẽ nhất tới Nga rằng Moscow không thể tiếp tục coi thường luật pháp quốc tế”. Tuy nhiên đáng chú ý là đến thời điểm này, ngoài những lời cáo buộc trên, Anh và các nước phương Tây lại không đưa ra bằng chứng khách quan và toàn diện nào và cũng không có dấu hiệu cho thấy sẽ hợp tác với Nga để làm sáng tỏ vụ việc. Nói cách khác phương Tây không muốn trưng ra bằng chứng liên quan tới vụ việc này, về chuyện gì đã xảy ra và nó đã xảy ra như thế nào.
Phải chăng các nước phương Tây lợi dụng vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc ở Anh chỉ là "cái cớ", là một phần trong kế hoạch chống Nga dài hạn.?.
Thực chất tình “đoàn kết bất ngờ” của EU và Mỹ với Anh, được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đắc cử nhiệm kỳ 6 năm nữa, chỉ là đỉnh điểm của những bất đồng đã tích tụ từ lâu giữa Nga và phương Tây suốt 1 thập niên qua. Các đối thủ của Nga không thích nước Nga hùng mạnh với những năng lực được thể hiện gần đây. Nói cách khác, “cái gai” thực sự trong quan hệ giữa Nga và phương Tây không phải là vụ đầu độc cựu điệp viên ở Anh mà là do Moscow đang gia tăng các hoạt động được xem là “gây tổn hại” tới các lợi ích của phương Tây, với mục đích khôi phục “quyền lực” của Nga và làm suy yếu các nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của phương Tây.
Tất nhiên Nga sẽ đáp trả xứng đáng việc trục xuất ngoại giao tập thể của phương Tây song qua vụ việc này cho thấy quan hệ Nga - phương Tây đã bước vào giai đoạn gay cấn nhất trong vòng 30 năm qua. Nga đang đối đầu với một cuộc chiến ngoại giao toàn diện với phương Tây. Mối quan hệ chưa bao giờ êm ả giữa 2 bên sẽ tiếp tục kéo dài.