Bước lùi trong quan hệ ngoại giao Nga - Anh

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Việc chính phủ Anh  vừa tuyên bố sẽ trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, đồng thời đóng băng quan hệ song phương 

Căng thẳng ngoại giao Nga – Anh đang trở thành tâm điểm của đời sống chính trị quốc tế những ngày qua. Việc chính phủ Anh  vừa tuyên bố sẽ trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, đồng thời đóng băng quan hệ song phương sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga trên đất Anh đã đẩy quan hệ 2 nước rơi vào cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất trong vài thập kỷ qua.

Bước lùi trong quan hệ ngoại giao Nga - Anh  - ảnh 1 Cựu sĩ quan tình báo Nga Skripal (trái). Ảnh: Business Insider. 

Căng thẳng giữa Anh và Nga xoay quanh cái chết của điệp viên 2 mang Sergei Skripal đã kéo dài nhiều ngày qua. Năm 2004, ông Skripal bị Cơ quan an ninh liên bang Nga bắt giữ và sau đó bị kết án 13 năm tù giam vì tội phản bội tổ quốc. 6 năm sau, điệp viên hai mang này được trao cho phía Mỹ trong một cuộc trao đổi điệp viên. Ngày 4/3 vừa qua, ông Skripal và con gái được tìm thấy trong trạng thái bất tỉnh trong công việc tại thành phố Salisbury, Tây Nam nước Anh. Hiện hai người đang trong tình trạng nguy kịch.

Một loạt biện pháp trừng phạt ngoại giao

Trong thông báo đưa ra ngày 14/3 sau cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết nước Anh sẽ trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, đồng thời đóng băng toàn bộ quan hệ song phương cấp cao với Nga. Đây là hành động trục xuất ngoại giao lớn nhất mà nước Anh thực hiện trong 30 năm qua. 23 nhà ngoại giao Nga được Anh cho là những mật vụ hoạt động không chính thức ở Anh.

Bước lùi trong quan hệ ngoại giao Nga - Anh  - ảnh 2Đại sứ quán Nga tại thủ đô London, Anh. Ảnh:Getty.  

Thủ tướng May cũng cảnh báo sẽ phong tỏa các tài sản của Nga trên lãnh thổ Anh mà London có bằng chứng là được sử dụng để "gây hại cho cuộc sống hay tài sản của người dân hay người cư trú ở Anh". London cũng chính thức huỷ lời mời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đến thăm Anh trong thời gian tới.

Về Cúp bóng đá thế giới sẽ diễn ra vào mùa Hè này tại Nga, tuy không rút đội tuyển Anh khỏi giải nhưng chính phủ Anh tuyên bố sẽ không có bất cứ thành viên Hoàng gia hay quan chức nào của Anh tham dự vào sự kiện, đồng thời đưa ra khuyến cáo công dân Anh thận trọng khi đến Nga trong dịp diễn ra giải đấu.

Nguyên nhân chính thức khiến Anh đưa ra các quyết định trên là Nga đã không phản ứng trước đề nghị của Anh khi yêu cầu giải thích về việc chất độc hóa học từ thời Liên Xô có tên gọi Novichok được tìm thấy trong vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal.

Tuy nhiên, sự thật chưa chắc đã phải vậy. Việc chính quyền Anh leo thang căng thẳng với Nga ở mức độ như hiện nay là tương đối bất ngờ. Và nguyên nhân có thể là Thủ tướng Anh Theresa May đang có các tính toán đối nội. Hiện tại nước Anh đang trong quá trình đàm phán Brexit rất khó khăn và phức tạp với Liên minh châu Âu mà cách xử lý của bà May bị chỉ trích nhiều. Vì vậy, nhiều người cho rằng bà May đang dùng sự cố này với Nga để biến mình thành một chính trị gia mạnh mẽ, là người bảo vệ quyết liệt lợi ích của nước Anh.

Đáp lại những động thái cứng rắn bất ngờ từ phía Anh, giới chức Nga cho rằng đây là "bước đi thiển cận, không xác đáng và không thể chấp nhận được". Nga không hề liên quan đến vụ việc tại thành phố Salisbury, đồng thời đề nghị tiến hành một cuộc điều tra chung. Các hành động trả đũa của Nga sẽ sớm được thực hiện. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ Chính phủ Anh đã chọn một chiến thuật “cáo buộc quan trọng hơn bằng chứng” trong vụ Skripal bị đầu độc, thông qua đó khiến cộng đồng quốc tế bị đánh lạc hướng về sự thật đằng sau vụ việc. Truyền thông nhà nước Nga thì cáo buộc Anh định sử dụng cái chết của cựu Đại tá tình báo Nga Sergey Skripal để "can thiệp" vào cuộc bầu cử Tổng thống Nga sắp diễn ra trong tuần này.

Tương lai nào cho quan hệ Nga – Anh?            

Quan hệ Nga - Anh từ lâu đã rơi vào tình trạng tương đối căng thẳng. Sự xuống cấp quan hệ 2 nước diễn ra sau cái chết của sỹ quan cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) Aleksandr Litvinenko hồi năm 2006 ở London. Trong vụ việc này, chính quyền Anh đã buộc tội 2 công dân Nga song Nga đã từ chối dẫn độ họ. Ngoài ra Anh với tư cách là thành viên của Liên minh châu Âu cũng đã áp đặt các lệnh cấm vận nhằm vào Nga do liên quan đến vấn đề Crimea.

Bước lùi trong quan hệ ngoại giao Nga - Anh  - ảnh 3  Anh tích cực điều tra và thu thập chứng cứ tại hiện trường vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc. Ảnh: Reuters. 

Tuy nhiên bất chấp tình hình chính trị căng thẳng nhưng quan hệ kinh tế giữa 2 nước lại có tín hiệu lạc quan. Năm 2017, kim ngạch thương mại Nga- Anh đạt hơn 12 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2016. Trong bối cảnh Anh đang tìm cách cải thiện các quan hệ thương mại sau Brexit, chính giới Anh sẽ phải cân nhắc các bước đi tiếp theo với Nga xung quanh vụ việc điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc nếu không muốn quan hệ tài chính giữa 2 nước xuống cấp nghiêm trọng. Ngay cả Thủ tướng Theresa May cũng khẳng định không muốn cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Nga.

Trong khi đó, chính giới nhiều nước cũng phản ứng khá thận trọng với vụ việc và dường như đều nghiêng về khả năng 2 bên nên thúc đẩy đối thoại trước khi đưa ra các biện pháp đáp trả.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao Anh-Nga có thể sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Tuy nhiên chắc chắn các bên liên quan sẽ phải cân nhắc để vụ việc không bị đẩy đi quá xa vì suy cho cùng, quan hệ Anh – Nga xuống cấp sẽ không chỉ thiệt hại cho cả 2 mà còn có tác động không nhỏ tới đời sống chính trị thế giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu