NATO trước ngã rẽ quan trọng sau 70 năm tồn tại

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Một trong những chủ đề tiếp tục được nhắc đến nhiều nhất là việc tăng chi tiêu quân sự của các nước thành viên NATO lên mức 2% GDP mỗi nước. 

Hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khai mạc hôm nay (3/12), tại thủ đô London, Vương quốc Anh, đặt mục tiêu tăng cường đoàn kết và vạch ra đường hướng tương lai. Tuy nhiên, liên minh quân sự này đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong nội bộ, sau 70 năm tồn tại.

NATO trước ngã rẽ quan trọng sau 70 năm tồn tại - ảnh 1

NATO sau 70 năm tồn tại đang đứng trước ngã rẽ quan trọng với hàng loạt thách thức từ bên ngoài lẫn nội bộ liên minh - Ảnh: Getty

Hội nghị có sự tham dự của nguyên thủ 29 quốc gia thành viên, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Theo thông báo trước thềm Hội nghị, sự kiện lần này sẽ có tuyên bố chung trong đó cam kết về phòng thủ tập thể. Song, dư luận hoài nghi về kết quả này. Những khó khăn chồng chất mà NATO đang đối mặt, không dễ dàng có thể vượt qua để tìm kiếm sự đồng thuận trong các chủ đề nóng. 

Thách thức từ những vấn đề nội khối

Trước thềm hội nghị Thượng đỉnh tại London, một trong những chủ đề tiếp tục được nhắc đến nhiều nhất là việc tăng chi tiêu quân sự của các nước thành viên NATO lên mức 2% GDP mỗi nước. Đây là chủ đề gây ra nhiều mâu thuẫn trong nội bộ NATO vài năm qua, khi Mỹ liên tiếp gây sức ép và chỉ trích các nước châu Âu là đã dồn quá nhiều gánh nặng tài chính lên vai Mỹ.

NATO còn đối diện với hàng loạt vấn đề khác trong nội bộ của khối, bên cạnh bài toán chia sẻ chi phí hoạt động. Đầu tiên là mối bất hòa ngày một sâu sắc giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh chủ chốt trong NATO, đặc biệt là Mỹ, liên quan tới chiến dịch quân sự mới đây của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Bắc Syria. Ngay trước thềm Hội nghị 1 tuần, Thổ Nhĩ Kỳ ra tối hậu thư với NATO, cảnh báo phủ quyết mọi kế hoạch của liên minh quân sự này nếu không nhận được sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ trong lập trường đối với lực lượng người Kurd tại Syria. Quan điểm cứng rắn này của Thổ Nhĩ Kỳ khiến NATO gặp khó khăn hơn trong việc triển khai các kế hoạch phòng thủ quân sự cho một số nước Đông Âu nhằm ngăn ngừa các mối đe dọa từ Nga sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Dù là một thành viên của NATO nhưng Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua lại liên tiếp có những động thái khiến NATO không vừa lòng, từ việc đưa quân sang Syria tấn công lực lượng người Kurd, đồng minh của khối trong cuộc chiến chống IS, hay bắt tay với Nga, đối thủ của khối. Những động thái táo bạo của Tổng thống Erdogan khiến nhiều đồng minh và chuyên gia hoài nghi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có nên tiếp tục ở lại liên minh quân sự hay không. Dù vậy, NATO cũng không muốn từ bỏ mối quan hệ khi Thổ Nhĩ Kỳ có diện tích lãnh thổ lớn, tiềm lực quân sự mạnh và vị trí địa lý mang tầm quan trọng chiến lược.

Không chỉ vậy, Hội nghị Thượng đỉnh lần này còn bị phủ bóng bởi hàng loạt các vấn đề về đối nội khác. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với cuộc luận tội ngày càng gay gắt. Tại Pháp, ông Emmanuel Macron phải xử lý cuộc tổng bãi công trên toàn quốc vào ngày 5/12. Tại Đức, chính phủ liên minh của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng trước nguy cơ tan vỡ sau khi đối tác liên minh là đảng Dân chủ xã hội- SPD, có bộ máy lãnh đạo mới. Còn tại Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson chỉ còn gần 1 tháng nữa là bước vào cuộc tổng tuyển cử mang tính quyết định đến tiến trình Brexit. Bên cạnh đó còn có nhiều sự bất đồng trong liên minh này về vấn đề hạt nhân Iran, dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 giữa Đức và Nga…

NATO trước ngã rẽ

Trong bối cảnh đó, Hội nghị thượng đỉnh lần này đánh dấu một thời khắc quan trọng của khối. Không chỉ là kỷ niệm cột mốc tuổi 70, mà đây là còn là thời điểm thích hợp để hàn gắn và giải quyết những bất hòa thời gian qua, để đảm bảo một liên minh xuyên Đại Tây Dương cân bằng trở lại. Trước Hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận NATO đang bị tê liệt vì thiếu sự phối hợp cấp cao, thiếu các mục tiêu chiến lược. Người phát ngôn NATO thậm chí bác bỏ cách gọi tên cuộc họp của liên minh quân sự này là Hội nghị thượng đỉnh, mà chỉ cho rằng đây là cuộc họp có cấp độ thấp hơn, đồng thời cho biết có thể sẽ chẳng có tuyên bố chung cùng kế hoạch tương lai nào được đưa ra.

Những tuyên bố và chỉ trích gay gắt của một số thành viên, phản ánh thực trạng mâu thuẫn của khối là nhiệm vụ không dễ dàng thực hiện trong một sớm một chiều. NATO đang đứng trước ngã rẽ quan trọng trong lịch sử tồn tại. Các lãnh đạo NATO cần vạch ra chiến lược mới, tư duy về hướng đi sắp tới và lời giải cho nhiều bài toán khó, về cả đối nội và đối ngoại.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu