Chưa hạ nhiệt căng thẳng Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ

Chia sẻ
(VOV5) -Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cần phải quay lại đối thoại. Đe dọa, gây áp lực đến nay vẫn chỉ đem lại tác động tiêu cực.

Mối quan hệ giữa 2 đồng minh NATO là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chìm trong mâu thuẫn, bất đồng sau khi 2 bên không tìm được tiếng nói chung trong việc phóng thích mục sư người Mỹ Andrew Brunson. Thay vì thúc đẩy đối thoại, giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ quay sang thúc đẩy hợp tác với các đối tác đối trọng với Mỹ, trong khi Washington lại sử dụng chiêu bài đánh vào nền kinh tế đang khủng hoảng của đồng minh.

2 tuần kể từ khi vụ lùm xùm về mục sư người Mỹ bùng phát, đến nay quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ chưa có dấu hiệu được cải thiện. Các cuộc xúc tiến gặp gỡ tuy cũng được tiến hành song dường như là chưa đủ, cả về số lượng và cấp độ.

Khoét sâu mâu thuẫn

Dư luận tưởng chừng Washington sẽ dừng lại sau khi ra lệnh trừng phạt (ngày 1/8) nhắm vào 2 quan chức Thổ Nhĩ Kỳ là Bộ trưởng Tư pháp Abdulhamit Gul và Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu vì liên quan đến vụ xét xử mục sư người Mỹ Andrew Brunson, người bị Ankara cáo buộc phạm tội khủng bố và gián điệp.

Tuy nhiên, 2 tuần sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại quyết định tăng gấp đôi thuế đánh vào các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết định mới của Mỹ đã khiến thị trường tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ chao đảo và khiến đồng lira càng thêm mất giá mạnh, sau khi đã giảm tới hơn 30% kể từ đầu năm nay. Việc tăng thuế của ông Trump có lẽ sẽ không khiến Thổ Nhĩ Kỳ lao đao như vậy nếu như quốc gia này không gặp khó khăn về kinh tế.

Do vậy quyết định của Washington như giọt nước tràn ly, khiến Thổ Nhĩ Kỳ vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn. Và dường như ông Trump đang hướng tới việc chi phối Thổ Nhĩ Kỳ bằng sức mạnh kinh tế. Không chỉ vậy, đầu tuần qua, Tổng thống Trump cũng ký đạo luật chi tiêu quốc phòng của Mỹ năm 2019 trong đó có ngăn việc bàn giao các máy bay F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Không phục cách cư xử của đồng minh trong NATO, Thổ Nhĩ Kỳ coi quyết định áp thuế của Washngton là cú đâm sau lưng, là hành động tấn công có chủ đích của chính quyền Mỹ vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đáp trả bằng cách tăng thuế mạnh đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như nâng mức thuế quan đối với ô tô khách nhập khẩu từ Mỹ thêm 120%, đối với sản phẩm đồ uống có cồn thêm 140% và thuốc lá thêm 60%. Ngoài ra, Ankara cũng tăng thuế đối với một số mặt hàng khác bao gồm mỹ phẩm, gạo và than đá. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp dụng các mức thuế bổ sung trị giá 533 triệu USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Trong khi đó, tòa án ở thành phố Izmir, miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 15/8, cũng đã bác đơn kháng cáo mới đòi trả tự do cho mục sư người Mỹ Andrew Brunson. Tòa phán quyết rằng ông Brunson sẽ tiếp tục bị quản thúc tại gia. Chắc chắn động thái này của Ankara sẽ khiến Washington tức giận và quan hệ 2 bên còn gặp nhiều sóng gió.

Tìm những đối tác khác

Thổ Nhĩ Kỳ tuy không mang lại cho Mỹ nhiều lợi ích về kinh tế nhưng xét về mặt chính trị, quốc gia này lại mang lại cho Mỹ nhiều lợi ích chiến lược. Nếu không có sự ủng hộ của Ankara, mục tiêu mà Washington hướng tới ở Syria, Nga, Iran và thậm chí cả Châu Âu khó có thể đạt được.

Tuy nhiên dường như chính quyền Trump đang đánh giá thấp vai trò của Ankara.  Động thái của Mỹ khiến quan hệ 2 nước trở nên xấu đi trầm trọng, đe dọa tới mối quan hệ đồng minh, và đẩy Thổ Nhĩ Kỳ lại gần với Nga cũng như các đối trọng khác của Mỹ. Điều này không có lợi cho lợi ích chiến lược của Washington, nhất là đối với các căn cứ không quân đóng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Và thực tế là trong những ngày gần đây, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định "thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược.". Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Ankara cũng không có ý định ủng hộ hành động tương tự của Washington đối với Tehran. Trong khi đó, Iran tuyên bố sát cánh cùng Thổ Nhĩ Kỳ đối phó với những áp lực từ Mỹ. Về lâu dài, liên minh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran vốn được hình thành trên cơ sở vấn đề Syria sẽ được thắt chặt và mở rộng hơn nữa. Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho là đã sẵn sàng để tìm kiếm những liên minh mới, tổ chức mới như nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) hay Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) để thay thế cho những đồng minh truyền thống.

Có thể thấy những cuộc tiếp xúc cấp cao để cải thiện quan hệ song phương giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ít hơn nhiều so với các biện pháp trả đũa lẫn nhau. Tuy nhiên để giải quyết những vấn đề tồn tại trong quan hệ song phương, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cần phải quay lại đối thoại. Đe dọa, gây áp lực đến nay vẫn chỉ đem lại tác động tiêu cực.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu