Xe phóng thuộc tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga. - Ảnh: TASS |
Hợp đồng mua 4 tổ hợp S-400 trị giá 2,5 tỷ USD giữa Ankara và Moscow được ký năm 2017. Dự định quá trình chuyển giao được Nga tiến hành trong năm 2019. Sau khi thông báo việc đã mua hệ thống phòng thủ S-400, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng hệ thống vũ khí này sẽ được giao vào tháng 7.
Áp lực rất lớn từ Washington
Ngay từ khi manh nha có ý định mua hệ thống phòng thủ S - 400 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đối mặt với sức ép rất lớn từ Mỹ. Washington đưa ra rất nhiều cảnh báo nhằm khiến thương vụ này đổ vỡ. Mới đây nhất, ngày 10/6, Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết kêu gọi chính quyền Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ hủy bỏ việc mua S-400. Nghị quyết chỉ trích hợp đồng này và cho rằng thương vụ đe dọa sự thống nhất trong liên minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ và làm suy yếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trước đó 2 ngày, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ellen Lord cảnh báo nếu Thổ Nhĩ Kỳ không từ bỏ kế hoạch mua hệ thống S-400, Mỹ sẽ trục xuất phi công Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia các khóa huấn luyện lái máy bay chiến đấu F-35 tại Mỹ, đồng thời Mỹ cũng sẽ hủy bỏ những thỏa thuận đã ký cho phép các công ty Thổ Nhĩ Kỳ phụ thầu sản xuất máy bay chiến đấu F-35. Ngoài ra, vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình F-35 sẽ bị chuyển sang cho nước khác trong năm 2020.
Điều này sẽ là đòn đánh mạnh vào Ankara khi Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất mua tới hơn 100 chiến đấu cơ loại này - có tổng giá trị gần 9 tỷ USD. Các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất khoảng 937 bộ phận khác nhau cấu thành F-35, phần lớn là thiết bị cho bộ phận hạ cánh và phần thân trung tâm của máy bay. Việc bị loại khỏi chương trình F-35 sẽ là một trong những rạn nứt lớn nhất trong lịch sử mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh Mỹ.
Ngoài nguy cơ đối mặt trừng phạt của Mỹ, theo các chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ có thể còn bị khai trừ khỏi các cuộc họp và sự kiện quân sự quan trọng của NATO vì lý do bảo đảm “an toàn thông tin. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 3/4 còn đưa ra cảnh báo với Thổ Nhĩ Kỳ rằng nước này có thể bị khai trừ khỏi NATO nếu cố gắng theo đuổi hợp đồng mua “rồng lửa” S-400 của Nga.
Trên bình diện kinh tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/5 cũng chính thức chấm dứt thỏa thuận ưu đãi thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ với lý do nước này không còn là nước đang phát triển. Quyết định trên đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ không còn được hưởng ưu đãi miễn thuế đối với một số hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Lý do khiến Washington tìm mọi cách để ngăn thương vụ mua S- 400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vì hệ thống phòng thủ này hội tụ những điều kiện cần và đủ để phát hiện và có thể bắn hạ được những máy bay tàng hình tối tân nhất của Mỹ, đặc biệt là F-35. Nhận định này càng được khẳng định khi mới đây Thiếu tá Không quân Mỹ Dan Flatley thừa nhận S – 400 có thể phát hiện và theo dõi được tiêm kích tàng hình F-35.
Hơn nữa, điều khiến Mỹ lo lắng là khi quyết định mua hệ thống phòng thủ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã thẳng thắn tuyên bố sẽ dùng vũ khí này thành lập hệ thống phòng thủ riêng và không liên quan gì đến việc tích hợp chúng vào lá chắn phòng thủ chung của NATO (như trường hợp S-300 của Hy Lạp, Bulgaria và Slovakia).
Không ngăn được quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ
Ngay từ những ngày đầu chịu sức ép từ Mỹ, chưa lần nào giới chức Thổ Nhĩ Kỳ thông báo sẽ từ bỏ thương vụ mua S- 400. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan từng nhiều lần khẳng định quyết tâm có bằng được hệ thống tên lửa phòng không này của Nga, nhằm đảm bảo an toàn không phận.
Theo ông, điều này cũng có nghĩa là biên giới NATO và Liên minh châu Âu (EU) được phòng thủ. Vì vậy những chỉ trích không công bằng và vô căn cứ đối với chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ là không thể chấp nhận.
Ông Erdogan cũng cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm kiếm các hệ thống phòng thủ khác nhau và đạt được thỏa thuận mua hệ thống S-400 của Nga vào thời điểm nước này cần bổ sung các trang thiết bị giữa nguy cơ rủi ro gia tăng ở khu vực biên giới mà lại không nhận được sự hỗ trợ từ đồng minh. Mỹ từng cung cấp 22,000-23,000 xe vũ khí cho một số lực lượng khác, nhưng lại không cung cấp vũ khí ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng trả tiền để mua.
Quan hệ Mỹ - Thổ từng gặp rất nhiều sóng gió trong những năm gần đây, từ mâu thuẫn trong vấn đề Syria, các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran hay căng thẳng vụ nhân viên lãnh sự quán Mỹ bị bắt giam ở Thổ Nhĩ Kỳ…Nhưng thương vụ mua S - 400 của Nga có lẽ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tới quan hệ song phương./.