Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, quản trị quốc gia

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Năm 2021, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về cải cách hành chính được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm, có nhiều đổi mới. 

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra được bước đột phá về cải cách hành chính trong năm 2022, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành, quản trị của quốc gia và của các bộ, ngành, địa phương để khơi dậy và huy động mọi nguồn lực để phát triển đất nước.

Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, quản trị quốc gia - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Ảnh: VGP

Năm 2021, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về cải cách hành chính được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm, có nhiều đổi mới. Trong năm, hai Hội nghị toàn quốc về xây dựng, hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền được tổ chức. Chính phủ họp 3 phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật, trình Quốc hội thông qua 02 luật và xem xét, cho ý kiến 06 dự án Luật, thông qua đối với 23 đề nghị xây dựng luật; ban hành 200 nghị quyết, 139 nghị định có liên quan đến việc cải cách hành chính. Trong năm, cả nước đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.101 quy định kinh doanh; đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 924 quy định và sửa đổi, bổ sung 166 văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước.Việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Một cửa các cấp ngày càng được cải thiện theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, dân chủ và hiện đại. Cơ cấu tổ chức, bộ máy tại các bộ, ngành được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trọng cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh, huyện. Riêng Bộ Nội vụ có nhiều đổi mới, cải cách, như việc phân cấp tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và bỏ quy định bắt buộc về các chứng chỉ.

Đáng chú ý, công tác chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đạt nhiều bước tiến. Trong đó, đã hoàn thành đưa vào vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân, sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử phục vụ hiệu quả công tác quản lý xã hội nhất là phục vụ bầu cử và phòng, chống dịch COVID-19. Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đều được quan tâm, tổ chức vận hành tốt, phát huy hiệu quả tích cực.

Tại phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức ngày 9/3/2022 tại Hà Nội,Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra các nhiệm vụ cụ thể của việc cải cách hành chính năm 2022. Đó là: tăng cường vai trò người đứng đầu; triển khai quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; Đổi mới mạnh mẽ phương thức chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính nhà nước, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế về kinh tế thị trường, thể chế về quản lý công chức, viên chức, về tổ chức bộ máy gắn với việc đề ra được những tiêu chuẩn, chỉ tiêu và định hướng của cải cách thể chế trong giai đoạn mới. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa tất cả các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình cắt giảm đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025;  cắt bỏ khâu trung gian, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin một cửa điện tử các cấp theo hướng đồng bộ, có đầu mối quản lý tập trung thống nhất, liên thông; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin phục vụ xác thực, định danh và giải quyết thủ tục hành chính.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu ưu tiên nguồn lực, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử; đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Mục tiêu cao nhất là tạo được bước đột phá về cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính phủ, các bộ, các ngành, các địa phương, khơi dậy và huy động mọi nguồn lực để phát triển đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu