Mỹ tìm tiếng nói chung từ các đồng minh ở Châu Á

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) -5 quốc gia có tên trong chuyến công du châu Á đâu tiên của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper là Australia, News Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ. 

Tân Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper vừa có chuyến thăm kéo dài 6 ngày tới 5 quốc gia châu Á ngay sau khi nhậm chức ít ngày. Động thái này cho thấy vai trò quan trọng của khu vực trong chính sách của Washington đồng thời báo hiệu sự chuyển dịch ưu tiên mới của Lầu Năm Góc trong ít nhất một thập kỷ tới.

5 quốc gia có tên trong chuyến công du châu Á đâu tiên của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper là Australia, News Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ. Đáng chú ý, 4 trong số này là đồng minh lớn của Mỹ trong khu vực. Riêng Mông Cổ là cái tên gây nhiều chú ý trong chuyến thăm của ông Esper, báo hiệu sự chuyển dịch ưu tiên mới của Lầu Năm Góc trong tương lai.

Mỹ tìm tiếng nói chung từ các đồng minh ở Châu Á - ảnh 1 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (phải) nhận quà là một con ngựa quý khi đến Mông Cổ ngày 8-8 - Ảnh: Reuters

Cam kết hợp tác từ các đồng minh

Chọn Australia là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của ông Esper, Mỹ mong muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ an ninh-quốc phòng với quốc gia châu Đại Dương này. Kết quả là trong cuộc tham vấn thường niên giữa các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Australia - Mỹ (AUSMIN) tại Canberra, hai bên thống nhất cách tiếp cận đối với các vấn đề trên biển. Hai bên cũng nhấn mạnh cam kết chung của Mỹ và Australia đối với an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, việc Australia Australia cho biết sẽ “nghiêm túc xem xét” đề nghị của Mỹ về tham dự vào chiến dịch Người Bảo vệ tuần tra tại Trung Đông, chứ chưa đưa ra bất kỳ cam kết nào và tỏ ra không hưởng ứng kế hoạch bố trí tên lửa tại châu Á phần nào cho thấy sự khác biệt trong quan điểm và mối quan tâm giữa hai đồng minh lâu năm.

Ngay khi tới Auckland (New Zealand), ông Esper đã tái khẳng định khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một ưu tiên trong chiến lược quốc phòng hai nước và hai bên có chung tầm nhìn tương lai. Bên cạnh đề cao hợp tác trong các vấn đề an ninh khu vực, lãnh đạo quốc phòng hai nước cam kết thắt chặt quan hệ đối tác nhằm tiếp tục thực hiện các chiến lược tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mỹ tìm tiếng nói chung từ các đồng minh ở Châu Á - ảnh 2Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (trái) trong cuộc hội đàm tại Seoul ngày 9/8/2019.- Ảnh: Yonhap/TTXVN 

Trong bối cảnh quan hệ giữa Seoul và Tokyo đang rơi xuống mức thấp nhất trong hơn nửa thế kỷ, chuyến thăm của ông Esper tới Nhật bản vả Hàn Quốc phản ánh mong muốn của Washington trong việc hàn gắn và củng cố hợp tác an ninh 3 bên. Trong cuộc gặp người đồng cấp Nhật Bản Takeshi Iwaya, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ba bên Nhật-Mỹ-Hàn trong việc giải quyết hồ sơ hạt nhân Triều Tiên và bảo đảm hòa bình, ổn định tại khu vực. Còn trong cuộc trao đổi với người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo, ông Esper nêu bật mối quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn bền vững là yếu tố then chốt thúc đẩy hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á.

Tuy nhiên, tương tự như Australia, những nỗ lực của ông Esper nhằm thuyết phục Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya trong việc tham gia liên minh hàng hải quốc tế ở eo biển Hormuz vẫn chưa thành công. Bên cạnh đó, nỗ lực hàn gắn mối bất hòa giữa hai đồng minh của Mỹ cũng chưa đạt kết quả.

Mông Cổ: sự chuyển hướng mới của Mỹ

Việc chọn Mông Cổ là 1 trong 5 quốc gia đầu tiên đến thăm trên cương vị Bộ trưởng quốc phòng khiến dư luận quốc tế đặc biệt chú ý. Chuyến thăm diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Mông Cổ Battulga Khaltmaa đến Washington để gặp Tổng thống

Donald Trump vào cuối tháng 7. Trước đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cũng đã dừng chân tại Mông Cổ. Nhìn vào lịch sử quan hệ ngoại giao, Mông Cổ vốn là một đối tác quân sự nhất quán của Mỹ, hỗ trợ nhất định cho các chiến dịch quân sự của Mỹ tại Iraq và Afghanistan. Ulaanbaatar cũng có mối quan hệ tốt với Bình Nhưỡng, điều mà Washington có thể tận dụng nếu ông Trump muốn tìm cách hồi sinh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang bế tắc. Dựa trên những dữ liệu trên, giới phân tích cho rằng chuyến thăm của Bộ trưởng quốc phòng Esper tới Mông Cổ, đất nước nằm giữa Nga và Trung Quốc, hai quốc gia bị Mỹ xem là mối đe dọa trong chiến lược an ninh quốc gia, có nhiều tầng nghĩa. Chuyến thăm được cho là đã tiếp tục củng cố quan hệ hợp tác Mỹ - Mông Cổ, tạo tiền đề cho các hợp tác trong tương lai, dù đó có là chính trị, kinh tế hay quốc phòng.

Chọn 5 quốc gia châu Á làm điểm đến trong chuyến công du đầu tiên của mình, tân Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper phần nào đã nhận thức rõ hơn về thách thức mà Mỹ đang phải đối mặt. Chuyến thăm không chỉ nhằm xốc lại quan hệ với các đồng minh chủ chốt, mà còn góp phần tái khẳng định sự hiện diện và vai trò của Mỹ tại khu vực chiến lược này.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu