Lybia trong vòng xoáy bất ổn mới

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Gần 3 năm sau ngày thể chế chính trị của Tổng thống Moamer Kadhafi bị lật đổ, Lybia vẫn chưa tìm được sự ổn định để phát triển đất nước.
(VOV5) - Gần 3 năm sau ngày thể chế chính trị của Tổng thống Moamer Kadhafi bị lật đổ, Lybia vẫn chưa tìm được sự ổn định để phát triển đất nước. Hơn thế, quốc gia Bắc Phi này đang đối mặt với tình trạng bạo lực và chia rẽ chưa từng có với sự gia tăng mạnh các vụ tấn công và đụng độ trên khắp cả nước giữa chính quyền và lực lượng phiến quân. Những diễn biến mới ở Lybia trong những ngày qua, nhất là từ sau khi Quốc hội lâm thời Libya bất ngờ phế truất Thủ tướng, đang khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.


Lybia trong vòng xoáy bất ổn mới - ảnh 1
Các cuộc đụng độ gia tăng tại Lybia (Ảnh: AP)

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 11/3, Đại hội nhân dân toàn quốc, tức Quốc hội lâm thời Lybia, đã phế truất Thủ tướng Ali Zeidan trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, đồng thời bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Abdullah al-Thani làm Thủ tướng tạm quyền. Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được tiến hành sau vụ đối đầu giữa chính quyền trung ương ở Tripoli với lực lượng phiến quân ở khu vực miền Đông Lybia liên quan đến việc bán dầu mỏ.

Nguyên nhân chính của sự kiện này là việc tàu chở dầu đã mang dầu thô rút khỏi cảng biển nằm trong quyền kiểm soát của phe nổi dậy, xuyên qua hàng rào hải quân phong tỏa bờ biển. Chính phủ của ông Zeidan đe dọa sẽ dùng vũ lực, thậm chí là không kích để ngăn cản tàu thoát đi, mang theo dầu mua mà không có sự cho phép của Tập đoàn Dầu Quốc gia Libya. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều thất bại khi không thể ngăn chặn được con tàu thoát ra vùng biển quốc tế. Vụ việc này là giọt nước tràn ly, là cái cớ để cáo buộc sự yếu kém của chính quyền trung ương, dẫn tới việc ông Zeidan phải ra đi.

Mâu thuẫn quyền lợi, sắc tộc và vùng miền

Từ khi ông Zeidan lên nắm quyền hồi tháng 11/2012, chính phủ của ông đã gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Ông là chính trị gia độc lập được phe tự do ủng hộ, nhưng không thể quy thuận được các lực lượng cựu du kích nổi dậy. Trong khi đó, phe nổi dậy chiếm đóng hầu hết các cảng quan trọng, đang đòi được làm chính phủ tự trị ở khu vực miền đông. Khả năng dùng quân đội để tái chiếm các cảng biển từ tay phe nổi dậy đã từng được Chính phủ Lybia cân nhắc, song điều này rất dễ khởi động cho một cuộc nội chiến mới, đồng thời có thể làm hư hại hạ tầng cơ sở khai thác dầu của Libya, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc nội chiến 3 năm trước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân để Quốc hội lâm thời Lybia và Thủ tướng đổ lỗi cho nhau.

Ba năm sau làn sóng biểu tình lật đổ chế độ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi, Chính phủ và Quốc hội Lybia ngày càng chịu nhiều chỉ trích từ người dân, cáo buộc chính quyền tham nhũng và không thể tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp cho người dân. Hồi tháng trước, quyết định kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của hàng nghìn người dân Lybia, khiến cơ quan này đã phải thông báo sớm tổ chức bầu cử. Cuộc bầu cử tiến hành hôm 20/2, nhằm chọn ra một cơ quan soạn thảo hiến pháp mới, gồm 60 thành viên, chia đều cho 3 vùng: Fezzan ở miền Nam, Tripolitania ở miền Tây và Cyrenaica ở miền Đông, trong đó có 6 ghế dành cho 3 nhóm sắc tộc thiểu số chính ở Libya là Berbers, Toubous và Tuareg. Song, cuộc bầu cử đã không diễn ra suôn sẻ khi bất ổn xảy ra tại một số khu vực bầu cử, dẫn tới kết quả 13 trong số 60 ghế của hội đồng lập hiến bỏ trống. Các chính đảng cũng không chính thức hiện diện tại cuộc bỏ phiếu mà chỉ có các ứng cử viên độc lập đăng ký tranh cử.

Khoảng trống quyền lực ở Lybia

Hiện tại, mặc dù bỏ phiếu phế truất thủ tướng Zeidan nhưng quyết định lựa chọn bầu tổng thống bằng quốc hội hay bằng bỏ phiếu toàn quốc, vẫn chưa ấn định được. Dư luận cảnh báo bất ổn trong nước sẽ tiếp diễn nếu Quốc hội không thể đồng thuận bầu được người thay thế Thủ tướng Zeidan. Một báo cáo của tình báo Mỹ hồi tháng 2 nhận định đang có một "khoảng trống quyền lực" tại Libya khi chính phủ nước này vẫn phải nỗ lực đấu tranh với các nhóm vũ trang cực đoan và các âm mưu khủng bố. Cho đến nay, lực lượng an ninh chính phủ vẫn phải đối mặt với các cuộc tấn công ở miền Đông đất nước. Xung đột lợi ích của các nhóm phiến quân, với vũ khí hạng nặng có nguồn gốc từ các kho vũ khí của chính quyền Kadhafi, đang đưa Libya vào nguy cơ nội chiến. Tình hình bất ổn chính trị này cũng là nguy cơ cản trở những nỗ lực quốc tế nhằm hỗ trợ Libya, khi việc lưu hành vũ khí không kiểm soát được đang tạo ra những nguy cơ cho quá trình tái thiết đất nước này.

Rõ ràng cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vừa qua phản ánh sự bất ổn định tại quốc gia giầu mỏ Lybia. Cuộc bầu cử mới sẽ đến nhưng tương lai chính trị ở quốc gia Bắc Phi này khó có thể ổn định bền vững nếu như không có sự đồng nhất trong nội bộ. Điều này thực sự khó bởi vì khi dựng một chính phủ lên, các phe phái tại Libya đã không thể dung hòa các lợi ích.  Ba năm sau cái chết của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, nước này vẫn đang cố gắng hồi phục trong một tương lai hết sức mong manh./.

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu