30 năm sau ngày Hiệp ước Maastricht đi vào thực thi, (1/11/1993), đưa Cộng đồng châu Âu thành Liên minh châu Âu hùng mạnh về kinh tế, có tầm ảnh hưởng chính trị toàn cầu, khối này đang đứng trước những đòi hỏi phải cải tổ toàn diện và triệt để nhằm đáp ứng được các thách thức mới.
Hiệp ước Maastricht được ký vào ngày 7/2/1992, nhưng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/11/1993. Đây là văn kiện lịch sử, đánh dấu một trong những mốc quan trọng nhất của toàn bộ tiến trình hội nhập châu Âu, được các quốc gia chủ chốt tại châu lục khởi động từ đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước. Với Hiệp ước Maastricht, Liên minh châu Âu ra đời thay cho Cộng đồng châu Âu. Đây là sự hiện thực hóa tham vọng của nhiều thế hệ lãnh đạo châu Âu trước đó, là xây dựng châu Âu thành một liên minh thống nhất về kinh tế-chính trị, chứ không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ một thị trường chung.
Các bộ trưởng châu Âu ký kết Hiệp ước Maastricht năm 1992. Ảnh: Independent |
30 năm phát triển vượt bậc
30 năm sau khi ra đời, Liên minh châu Âu (EU) phát triển vượt bậc về mọi mặt. Vào thời điểm Hiệp ước Maastricht được thực thi (11/1993), EU bao gồm 12 quốc gia thành viên với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là hơn 6,7 ngàn tỷ USD. Hiện nay, EU đã tăng gấp gần 2,5 lần cả về số lượng thành viên (27 quốc gia) lẫn sức mạnh kinh tế, khi GDP của khối cuối năm ngoái đạt trên 16,6 ngàn tỷ USD.
Các dự án tham vọng mà EU đặt ra từ 3 thập kỷ trước hầu hết đều đã được thực hiện. Giấc mơ xây dựng đồng tiền chung châu Âu biến thành hiện thực vào năm 2002 khi đồng euro chính thức được đưa vào lưu hành, dần thay thế cho đồng nội tệ các nước và hiện đã trở thành đồng tiền chung của 20 quốc gia thành viên EU. Trải qua những thời điểm khó khăn, thậm chí từng bị nghi ngờ sẽ sụp đổ trong giai đoạn khủng hoảng nợ công (2009-2012), đồng euro vẫn đứng vững và hiện là đồng tiền mạnh thứ 2 trên thế giới, sau đồng đô-la Mỹ (USD). Sự ra đời của đồng euro cũng đã thúc đẩy thương mại nội khối bùng nổ đồng thời biến EU thành khối thương mại hàng đầu thế giới, dù cho đến nay vẫn còn những tranh cãi trong nội bộ châu Âu về việc một số nước được hưởng lợi từ đồng euro nhiều hơn so với một số nước khác.
Thủ tướng Đức, Olaf Scholz. Ảnh: AFP/TTXVN |
Một dấu ấn lớn khác của EU trong 3 thập kỷ qua là việc hiện thực hóa khái niệm “công dân châu Âu”. Hơn 400 triệu công dân các nước EU giờ đây được tự do di chuyển không cản trở trong nội bộ EU nhờ Hiệp định Schengen (có hiệu lực từ 1995) đã giúp xóa bỏ hàng rào biên giới giữa các quốc gia EU, được tiêu một đồng tiền chung là đồng euro và được tự do cư trú, làm việc tại một nước EU khác nhờ các cải cách tư pháp chung của khối. Tại một số nước EU, công dân đến từ nước EU khác thậm chí được trao quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương, tức được hưởng quyền lợi chính trị ngang hàng một công dân bản địa.
Trên tất cả, thành công lớn nhất của EU từ khi thực thi Hiệp ước Maastricht có lẽ là việc khối này đã mở rộng được không gian địa lý và chính trị của mình. 16 quốc gia mới đã gia nhập EU trong 3 thập kỷ qua và dù sự kiện Brexit (2016) khiến khối này chao đảo trong vài năm, việc được kết nạp vào EU vẫn là một sức hút rất lớn đối với hàng chục quốc gia khác hiện nay ở Đông Âu hay Tây Balkan. Những quốc gia này có lẽ đều nhìn thấy những gì đã diễn ra ở các nước Trung-Đông Âu gia nhập EU trước đó, khi việc gia nhập EU thúc đẩy các cải cách xã hội toàn diện và mang đến các lợi ích kinh tế to lớn. Một ví dụ điển hình là Ba Lan, quốc gia ghi nhận GDP tăng gấp gần 3 lần kể từ khi gia nhập EU vào năm 2004.
Xây dựng một EU mới hiệu quả và thực dụng hơn
Nhờ những thành công lớn trong 3 thập kỷ qua, EU đã củng cố được vai trò của mình như là một cực quyền lực trên thế giới và trở thành mô hình tổ chức khu vực mẫu mực. Tuy nhiên, những cuộc khủng hoảng lớn dồn dập ập đến với châu Âu trong hơn 1 thập kỷ qua, từ khủng hoảng nợ công (2009-2012), khủng hoảng tị nạn (2015), Brexit (2016) cho đến đại dịch Covid-19 (2020-2021) và mới nhất là cuộc xung đột Nga-Ukraine đã buộc các nhà lãnh đạo châu Âu phải gấp rút thảo luận việc cải cách toàn diện các Hiệp ước trụ cột của EU, qua đó xây dựng một EU mới, với các thiết chế và cơ chế hoạt động mới hiệu quả và nhanh gọn hơn.
Một trong những cải cách quan trọng nhất đang được nhắm đến là cơ chế ra quyết định của EU. Theo các điều khoản trong Hiệp ước Maastricht, và sau này được điều chỉnh trong Hiệp ước Lisbon (2007), EU hoạt động trên cơ chế đồng thuận với hầu hết các chủ đề lớn, như: thuế, ngân sách, chính sách đối ngoại… nên bất cứ quốc gia thành viên nào cũng có thể phong tỏa toàn bộ quyết định của khối nếu có bất đồng. Điều này đã nhiều lần xảy ra với EU khi một số nước phủ quyết việc phân bổ người tị nạn năm 2015, hay cản trở EU trợ giúp Ukraine gần đây.
Theo Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, cơ chế đồng thuận cần phải được thay thế: “Các cải cách cần phải áp dụng đặc biệt đối với cấu trúc ra quyết định của khối. Tôi đã nhiều lần nói rất rõ rằng việc duy trì cơ chế đồng thuận để quyết định các vấn đề như chính sách đối ngoại hay chính sách thuế như trước đây là không thể chấp nhận được. Châu Âu cần phải có khả năng ra quyết định dựa trên cơ chế đa số quá bán. Chỉ có như vậy thì chủ quyền và khả năng hành động của châu Âu mới được bảo đảm”.
Ngoài cơ chế đồng thuận, việc cải cách cấu trúc phân bổ quyền lực giữa các quốc gia thành viên trong Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu cũng sẽ là thách thức lớn. Hiện tại, theo các Hiệp ước của EU, số ghế của một quốc gia EU tại Nghị viện châu Âu được phân bổ dựa trên dân số của quốc gia đó còn tại Ủy ban châu Âu, mỗi nước sẽ đảm nhiệm một chức danh Ủy viên (tổng cộng 27 Ủy viên). Tuy nhiên, cơ chế này sẽ khó có thể duy trì khi số lượng quốc gia thành viên EU tăng lên bởi Nghị viện châu Âu không thể có nhiều hơn 751 nghị sĩ, con số tối đa theo quy định trong Hiệp ước Lisbon. Tương tự, Ủy ban châu Âu cũng rất khó tạo ra các Ủy ban mới để trao cho các quốc gia thành viên mới đảm nhiệm vì sẽ khiến bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả.
Trước các thách thức đó, EU buộc phải cải cách triệt để, toàn diện và theo nhiều chuyên gia, 30 năm sau Hiệp ước Maastricht, đã đến thời điểm EU xây dựng một Hiệp ước mới, qua đó cho ra đời một Liên minh với các cơ chế hoạt động thực dụng, hiệu quả hơn, đáp ứng được một châu Âu đa dạng với nhiều tốc độ phát triển khác nhau.