Lịch sử Campuchia ghi công người lính tình nguyện Việt Nam

Văn Đỗ- Tâm Hiếu-Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) -Sự hy sinh vô cùng to lớn và cao cả của những người lính tình nguyện Việt Nam không hề uổng phí và mãi được khắc ghi trong lịch sử.

Hơn 40 năm sau cuộc chiến đấu chính nghĩa của quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Khmer Đỏ, hình ảnh về đội quân “Nhà Phật” giúp đất nước Chùa Tháp hồi sinh vẫn luôn trong tâm trí  người dân Campuchia. 

Chúng tôi gặp anh Norng Chan Phal vào một buổi chiều tà trong ngày cuối cùng của năm 2018 tại Bảo tàng Tội ác diệt chủng Toul Sleng, trước đây là trại giam khét tiếng S-21, nơi diễn ra những cuộc tra tấn và hành quyết cướp đi sinh mạng của khoảng 20.000 người dân vô tội Campuchia dưới chế độ Khmer Đỏ. Norng Chan Phal là một trong bốn đứa trẻ duy nhất còn sống sót được quân tình nguyện Việt Nam cứu khỏi nhà tù này khi họ cùng những người lính Campuchia vào giải phóng thủ đô Phnom Penh những ngày đầu tháng Giêng năm 1979. Bằng giọng nói đều đều, chậm rãi, Norng Chan Phal hồi tưởng lại ký ức kinh hoàng về những ngày bị giam cầm tại địa ngục trần gian cách đây 40 năm: “Bên trong căn phòng bị nhồi chặt người ở nhà tù, tôi không chứng kiến được cảnh bọn chúng giết người, nhưng tôi thấy bọn chúng bắt người đưa ra ngoài và sau đó nghe thấy những tiếng gào thét, tiếng rú của các nạn nhân vang lên rồi lịm tắt.”

Lịch sử Campuchia ghi công người lính tình nguyện Việt Nam - ảnh 1 Đoàn đại biểu dâng hoa tại Tượng đài hữu nghị Việt Nam – Campuchia.- Ảnh: VOV.VN.

Đối với Norng Chan Phal, đỉnh điểm nỗi sợ hãi là khi anh và người em trai bị lũ Pol Pot giằng ra khỏi tay mẹ để đưa sang phòng giam khác. Đó cũng là lần cuối cùng hai anh em Norng Chan Phal được nhìn thấy mẹ, họ không thể biết điều gì đã xảy đến với bà sau đó. May mắn đến với Norng Chan Phal khi giai đoạn đen tối trong nhà tù S-21 mới trải qua ít ngày thì bộ đội tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng cách mạng Campuchia giải phóng Phnom Penh, lật đổ chế độ Khmer Đỏ vào ngày 07/1/1979. Norng Chan Phal hồi tưởng: “Những người lính Việt Nam đưa chúng tôi ra khỏi đống quần áo tù nhân. Họ thấy người chúng tôi đầy vết muỗi cắn, côn trùng đốt, không được ăn mấy ngày nay rồi, thì họ đã lấy hơn một nửa túi gạo đem bên mình, nấu cơm cho chúng tôi. Đợi chúng tôi ăn xong, thì họ mới đi.”

Chỉ vào bức ảnh 4 đứa trẻ trần truồng được những người lính Việt Nam bế ra khỏi nhà tù S-21, Norng Chan Phal quả quyết: “Người sinh ra tôi lần thứ hai là bộ đội Việt Nam. Nếu bộ đội Việt Nam tới chậm ít ngày nữa, chắc chắn 4 đứa trẻ chúng tôi không thoát khỏi số phận như hàng nghìn trẻ em xấu số khác trong nhà tù này”. Hình ảnh về người lính tình nguyện Việt Nam luôn là những kỷ niệm đẹp đối với Norng Chan Phal trong suốt quãng đời sau này: “Khi ở trại trẻ mồ côi, chúng tôi được bộ đội Việt Nam yêu thương chăm sóc, nuôi dưỡng như con vậy. Họ dạy tôi ăn nói lễ phép với người lớn, khi có thời gian rảnh là lại đến thăm tôi, đưa tôi đi chơi hoặc gửi cho tôi trái dừa...Đến những năm 80 thì quân đội Việt Nam bắt đầu rút về nước, và từ đó đến nay tôi hoàn toàn không biết tin gì về họ. Tôi hi vọng là có một ngày nào đó tôi được gặp lại họ".

Trong giai đoạn 1975 – 1978, chế độ Khmer Đỏ đã giết hại khoảng 2 triệu người dân, tương đương 25% dân số Campuchia năm 1975. Khmer Đỏ được các học giả xem là một trong những chế độ tàn bạo nhất trong lịch sử thế kỷ XX. Gần như khắp nơi trên đất nước Chùa Tháp bây giờ vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh và ký ức về những đoàn quân tình nguyện Việt Nam cứu giúp người dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Ông Chour Sok Ty, Giám đốc Khu di tích Cánh đồng Chết Choeung Ek, một trong những điểm đến gây ám ảnh ghê rợn nhất đối với bất kỳ ai trong hành trình tìm hiểu tội ác diệt chủng của bè lũ Khmer Đỏ, chia sẻ: Tôi xin cảm ơn những người lính Việt Nam đã cứu giúp tôi thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Tôi sẽ nhớ mãi công ơn những người lính tình nguyện Việt Nam. Nếu như không có ngày 7/1 thì tôi cũng không biết cuộc đời mình sẽ như thế nào".

Đối với ông Vong Sakhon, người dân thủ đô Phnom Penh, bộ đội tình nguyện Việt Nam là những người anh hùng, những người bạn của người dân Campuchia: Khi được gặp những người lính tình nguyện Việt Nam, tôi rất vui mừng vì đó là những người tốt, thẳng thắn. Tôi cảm ơn những người lính tình nguyện Việt Nam đã sang giải phóng chúng tôi khỏi chế độ diệt chủng Pon Pot. Tôi hi vọng rằng mối quan hệ Campuchia – Việt Nam ngày càng tốt đẹp".

Với những cống hiến, góp phần giúp đất nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot và dựng xây đất nước, hình ảnh những người lính tình nguyện và chuyên gia Việt Nam luôn trong trái tim mỗi người dân Campuchia. Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia, ông Thong Khon, khẳng định: “Chúng tôi không thể nào quên được ngày 7/1/1979. Nếu như không có quân đội nhân dân Việt Nam, mặt trận giải phóng dân tộc Campuchia, quân đội nhân dân Campuchia thì sẽ không thể nào thoát khỏi họa diệt chủng của Pol Pot. Từ đó đến nay, mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Campuchia ngày càng bền vững và phát triển”.

Trong cuộc chiến khốc liệt giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, hàng vạn chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam đã mãi mãi nằm lại Campuchia hoặc hy sinh một phần thân thể của mình để góp phần hồi sinh đất nước có nền văn minh Ăngkor lẫy lừng. Sự hy sinh vô cùng to lớn và cao cả của những người lính tình nguyện Việt Nam không hề uổng phí và mãi được khắc ghi trong lịch sử một Vương quốc Campuchia đã và đang thực sự hồi sinh, phát triển.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu