Bảng số liệu thống kê kinh tế tháng 8 và 8 tháng năm 2022 vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ kế hoạch và đầu tư) công bố cho thấy kinh tế Việt Nam đang dần lấy lại nhịp tăng trưởng như trước khi xuất hiện đại dịch Covid – 19. Những tín hiệu kinh tế khởi sắc tiếp tục được thể hiện tại các lĩnh vực như: sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hóa... trong khi lạm phát được kiểm soát.
Ông Lê Duy Bình - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Điều hành Economica Việt Nam. Ảnh: vnexpress
|
Sự phục hồi rõ nét
Con số phục hồi dễ thấy nhất nằm chính ở sức mua của nền kinh tế. Tổng cục Thống kê, khi công bố số liệu này cũng đã nhận định rằng, hoạt động thương mại và dịch vụ “phục hồi ở tất cả các ngành và “ghi nhận mức tăng cao” so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, tháng 8/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 0,6% so với tháng trước đó và tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid – 19. Trong đó, ấn tượng là dịch vụ du lịch lữ hành tăng gấp 65,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Cát Lái, thành phố Thủ Đức. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN
|
Sức mua tăng đã tạo động lực cho sản xuất trong nước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2022 tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, mức tăng là 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Khi các điều kiện kinh tế thuận lợi, doanh nghiệp cũng vì thế gia tăng đầu tư, sản xuất – kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận gần 150 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm trước.
Sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam từ đầu năm đến nay có sự đóng góp quan trọng của các mặt hàng xuất khẩu. Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cho thấy, Việt Nam tiếp tục là địa điểm cung ứng hàng hóa lớn cho thị trường toàn cầu. Là quốc gia có độ mở kinh tế lớn, tham gia 17 FTA (15 FTA đang có hiệu lực và 2 FTA đang đàm phán), mở ra nhiều cơ hội để tăng tốc xuất khẩu, tận dụng các ưu đãi thuế quan theo từng FTA. Báo cáo mới đây của Fitch Solutions cho biết, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng ở khu vực Đông và Đông Nam Á, được hỗ trợ bởi các nỗ lực tự do hóa kinh tế do Chính phủ lãnh đạo và hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thông qua các hiệp định thương mại và tư cách thành viên của các khối khu vực và quốc tế. Chuyên gia kinh tế. TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Econimica Việt Nam, cho rằng: "Mức xuất siêu này đã hỗ trợ rất nhiều cho việc thực hiện những chính sách tiền tệ của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đối với đồng tiền Việt Nam thời gian qua. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng diễn ra trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng khoảng 2,5 % và lạm phát cơ bản chỉ tăng khoảng 1,6 %. Đây là một điểm sáng của Việt Nam khi nhiều nền kinh tế trên thế giới và khu vực đang chịu rất nhiều khó khăn".
Triển vọng sáng sủa
Có thể thấy, các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 8 đều tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là Việt Nam đã mở cửa trở lại sau thời gian dài phòng chống dịch COVID - 19. Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, kể cả bỏ qua yếu tố trên, thì sự phục hồi của nền kinh tế cũng rất rõ ràng. Minh chứng là 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% so với 8 tháng năm 2019 - trước khi xảy ra dịch COVID -19.
Tháng 8/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid – 19.
Việc các chỉ số kinh tế vĩ mô 8 tháng đều tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái hứa hẹn tốc độ tăng trưởng GDP của quý III năm nay sẽ ở mức cao so với cùng kỳ. Ngân hàng Standard Chartered từng đưa ra dự báo rằng, tăng trưởng GDP trong quý III/2022 của Việt Nam có thể đạt 10,8%. Rất nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc GDP quý III tăng trưởng 2 con số là “có cơ sở”.
Để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là để hạn chế những tác động tiêu cực từ điều hành chính sách của các quốc gia lớn trên thế giới, theo giới phân tích, Việt Nam cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, linh hoạt trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, và chú trọng sự phục hồi của lực lượng doanh nghiệp. PGS.TS Phan Chí Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh (CBAS), Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, nêu quan điểm: "Sự phát triển của khu vực doanh nghiệp, dịch vụ chiếm khoảng 40 % trong tăng trưởng của GDP hàng năm. Nếu chúng ta không giải được bài toán hỗ trợ cho khu vực này thì dẫn đến rủi ro trong đảm bảo tăng trưởng GDP".
Kinh tế vĩ mô ổn định trong những tháng cuối năm 2022 không chỉ giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm mà còn là tiền đề tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững của toàn nền kinh tế vào năm 2023. Hy vọng rằng dưới sự điều hành của chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, bức tranh kinh tế Việt Nam tiếp tục khởi sắc.