Tại phiên họp thứ nhất tổ chức ngày 2/8 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Quốc gia cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, giai đoạn 2016-2020, đã chỉ ra sự cần thiết phải kiên định mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Theo đó, Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn, tiếp tục tìm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Thủ tướng phát biểu tại phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Quốc gia cơ cấu lại nền kinh tế. Ảnh: vov.vn |
Đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế là quá trình liên tục để thích nghi với xu hướng thời đại, trong sự phát triển như vũ bảo của khoa học công nghệ. Trong bối cảnh như vậy, như mọi quốc gia khác, Việt Nam cần thiết phải có phương thức tổ chức sản xuất, quản lý mới để thực hiện thành công tiến trình này.
Kết quả đổi mới cơ cấu kinh tế chưa đạt như kỳ vọng
Với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, quá trình tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua đạt kết quả tích cực. Chất lượng tăng trưởng dần đi vào chiều sâu và được nâng lên. Mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cho tăng trưởng kinh tế dần tăng lên, năm 2016 đạt 40,68%, năm 2017 đạt 45,19%. Quy mô nợ công trong giới hạn cho phép. Việc cơ cấu lại các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế như đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng đều có chuyển biến tích cực… Mặc dù vậy, mô hình tăng trưởng của Việt Nam chưa thực sự đổi mới; năng suất lao động tăng vẫn phụ thuộc vào vốn đầu tư thay vì đổi mới công nghệ và quản lý… Nguyên nhân là do những tồn tại về cơ chế, chính sách, pháp luật còn kìm hãm thực hiện các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tìm động lực mới cho tăng trưởng
Về nhiệm vụ tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn, kéo dài hơn; tìm động lực mới cho tăng trưởng; đặc biệt chú trọng tìm nhân tố mới cho quá trình phát triển đất nước: Động lực để thực hiện tái cơ cấu mà cần khẳng định lại từ kinh nghiệm, thực tiễn đất nước, đó là vai trò của thể chế, chính sách và pháp luật. Các địa phương phải có Nghị quyết Hội đồng nhân dân tốt để thực hiện. Trung ương thì càng phải vận dụng thể chế pháp luật mà Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua. Thứ hai là vai trò động lực của kinh tế tư nhân. Vai trò động lực của hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do chúng ta đã ký thời gian qua. Không có thị trường mới trong tình trạng sản xuất của Việt Nam dư thừa thế này thì không thể phát triển được.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò động lực của khoa học công nghệ mà nền tảng là giáo dục đào tạo, đặc biệt là chiến lược 4.0. Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung cho các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển; đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thủ tướng yêu cầu tập trung vào hai nội dung chính, là đổi mới toàn diện phương thức quản lý Nhà nước về kinh tế, cải cách; để tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng Chính phủ Kỷ cương-Liêm chính-Hành động-Sáng tạo-Hiệu quả.
Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các mục tiêu tăng trưởng:Ngay Bộ Công thương là bộ tái cơ cấu mạnh mẽ nhất trong hệ thống các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, nhưng cũng chưa thấy nhân tố mới tốt hơn để có một động lực tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở các cấp, các ngành, nhất là chính sách, bộ máy để hỗ trợ cho tái cơ cấu. Làm sao có năng lực sản xuất mới tạo động lực phát triển. Chúng ta phải liên tục tăng trưởng cao trong thời gian đến để tăng quy mô nền kinh tế, giải quyết việc làm và tích lũy cần thiết phát triển đất nước. Không chỉ những năm tới mà nhiệm kỳ tới phải tiếp tục tính toán để thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Đây là yêu cầu rất lớn của Ban Chỉ đạo và Thủ tướng.
Nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian tới hết sức nặng nề, trong khi dư địa cho tăng trưởng còn hạn hẹn. Cùng với đó, bối cảnh thế giới sẽ còn tiếp tục phức tạp, khó khăn đối với Việt Nam. Do đó, thời gian tới, Việt Nam phải tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh hoàn thiện các khuôn khổ cho tái cơ cấu kinh tế và cải cách hành chính. Việt Nam cũng cần có chiến lược phát triển kinh tế khu vực động lực, phát triển kinh tế tư nhân, chú trọng liên kết vùng, cơ cấu lại thu chi ngân sách, các đơn vị sự nghiệp công. Trong quá trình này, khoa học- công nghệ được coi là yếu tố then chốt để phát triển.