Khủng hoảng Ai Cập và những hệ luỵ

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Diễn biến mới trên chính trường Ai Cập trong vài ngày qua đang khiến cuộc khủng hoảng tại quốc gia bắc Phi này trở nên trầm trọng hơn. Mâu thuẫn giữa các phe phái cũng vì thế ngày càng bộc lộ sâu sắc. Tình hình trên không chỉ gây bất lợi cho tương lai của Ai Cập mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định của  nhiều quốc gia trong khu vực.

(VOV5) - Diễn biến mới trên chính trường Ai Cập trong vài ngày qua đang khiến cuộc khủng hoảng tại quốc gia bắc Phi này trở nên trầm trọng hơn. Mâu thuẫn giữa các phe phái cũng vì thế ngày càng bộc lộ sâu sắc. Tình hình trên không chỉ gây bất lợi cho tương lai của Ai Cập mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định của  nhiều quốc gia trong khu vực.

Khủng hoảng Ai Cập và những hệ luỵ - ảnh 1
Những cuộc biểu tình diễn ra liên tiếp tại Ai cập (Ảnh: dantri.com.vn)


Những ngày qua, các cuộc biểu tình giữa những người ủng hộ quân đội và lực lượng ủng hộ cựu Tổng thống Mohamed Morsi diễn ra trên khắp các đường phố ở Ai Cập. Sự việc đã trở nên nghiêm trọng khi biểu tình dẫn đến đụng độ giữa cảnh sát và những người ủng hộ ông Mohamed Morsi, khiến 75 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Trong khi các bên lên tiếng đổ lỗi cho nhau về tình trạng bạo lực này, thì
Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour đã cho phép quân đội Ai Cập tiến hành bắt giữ dân thường, một động thái được cho là cứng rắn nhằm trấn áp biểu tình. Quyết định trên có thể là sự mở đầu cho cho một cuộc trấn áp quy mô lớn nhằm vào những người ủng hộ ông Mohamed Morsi hay các phiến quân đang tăng cường tấn công nhằm vào lực lượng an ninh của Ai Cập trên Bán đảo Sinai.


Tuy nhiên, xem ra động thái của chính quyền về việc trấn áp các hành động đe doạ an ninh và sự ổn định xã hội Ai Cập đều vô nghĩa khi Tổ chức Anh em Hồi giáo tiếp tục phát động cuộc biểu tình triệu người mới, bắt đầu từ đêm 29/7 và kéo dài hết ngày 30/7. Một số lãnh đạo Tổ chức Anh em Hồi giáo tuyên bố rằng chiến dịch biểu tình là không giới hạn, có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, cho tới khi đạt được mục tiêu đề ra là khôi phục Hiến pháp và chức Tổng thống Cộng hòa cho ông Mohamed Morsi.


Trong khi Ai Cập đang loay hoay giải quyết tình hình trong nước thì các quốc gia láng giềng cũng tỏ ra đặc biệt quan tâm về tình hình Ai Cập. Giáo sư nghiên cứu chính trị tại Đại học Mỹ ở Cairo, ông Noha Bakr, cho rằng các chiến dịch an ninh hiện đang được triển khai tại bán đảo Sinai chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới vị thế của Hamas trong khu vực này do quân đội có thể duy trì biện pháp an ninh khiến dải Gaza bị cô lập với thế giới bên ngoài như đóng cửa tất cả các đường hầm và đóng cửa cửa khẩu Rafah trong thời gian dài. Đối với Israel, những cuộc tấn công khủng bố của các phần tử thánh chiến Hồi giáo tại bán đảo Sinai nhằm gây áp lực buộc quân đội phục chức cho ông Mohamed Morsi có ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình an ninh của Israel. Bất ổn tại Ai Cập cũng khiến các quốc gia vùng Vịnh như Kuwait, Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), những quốc gia công khai ủng hộ xu hướng hiện nay tại Ai Cập, cảm thấy bất an. Thậm chí, tại Tunisia và Lybia, nơi tổ chức Anh em Hồi giáo vẫn đang nắm quyền, cũng ít nhiều lo ngại kịch bản tương tự Ai Cập có thể tái hiện.  


Trước khả năng khủng hoảng tại Ai Cập trở nên nghiêm trọng hơn, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng đã tiến hành thảo luận với Phó Tổng thống Ai Cập Mohamed ElBaradei và các Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar cùng người đứng đầu Liên đoàn Arập để nêu quan ngại sâu sắc trước tình hình bất ổn ngày càng trầm trọng ở Ai Cập. Trong khi đó, ngày 29/7, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton cũng đã đối thoại với các bên ở Ai Cập, trong đó có Chỉ huy lực lượng vũ trang Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, Tổng thống lâm thời Adli Mansour, cùng đại diện của đảng Tự do và công lý, nhánh chính trị của tổ chức Anh em Hồi giáo. Bà Ashton một lần nữa kêu gọi các bên kiềm chế và chấm dứt bạo lực, bày tỏ sự sẵn sàng ủng hộ của Liên minh châu Âu đối với nhân dân Ai Cập trong việc tạo lập sự ổn định và thúc đẩy nền dân chủ.  Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, khả năng trung gian hoà giải thành công của Liên minh châu Âu hay bất kỳ bên nào khác ngoài Ai Cập, trong cuộc khủng hoảng hiện nay, là rất nhỏ. Nhà phân tích Hasan Nafah, Giảng viên Khoa học Chính trị trường Đại học Cairo, nhận định đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng, cuộc khủng hoảng chỉ có thể do chính người Ai Cập tháo gỡ. Chỉ có các giải pháp do các bên trung gian trong nước đưa ra mới có thể được các bên còn lại chấp nhận và thực hiện.


Tình hình tại Ai Cập trong những ngày tới sẽ còn nhiều diễn biến khó lường. Sự chia rẽ chính trị ngày càng leo thang sẽ chỉ dẫn tới những hậu quả không hay cho người dân xứ kim tự tháp cũng như cả khu vực. Xem ra, viễn cảnh cho sự ổn định vẫn là ẩn số tại Ai Cập./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu