Ai Cập sau một năm cầm quyền của Tổng thống Mohamed Morsi

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5)- Ngày 30/6 tới sẽ đánh dấu một năm lên cầm quyền của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi. Trái ngược với tuyên bố lạc quan trong ngày nhậm chức về việc tạo dựng cho Ai Cập một nền dân chủ thật sự, giờ đây, Tổng thống Morsi đang phải đối mặt với nguy cơ mất chức bởi sức ép từ không ít những người một năm trước từng cho rằng kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống cần phải được tôn trọng.
(VOV5)- Ngày 30/6 tới sẽ đánh dấu một năm lên cầm quyền của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi. Trái ngược với tuyên bố lạc quan trong ngày nhậm chức về việc tạo dựng cho Ai Cập một nền dân chủ thật sự, giờ đây, Tổng thống Morsi đang phải đối mặt với nguy cơ mất chức bởi sức ép từ không ít những người một năm trước từng cho rằng kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống cần phải được tôn trọng.

Có lẽ một năm trước, khi mới lên nắm quyền, Tổng thống Mohamed Morsi không nghĩ rằng vị trí của ông lại lung lay giữ dội khi ông mới đi được 1/4 chặng đường trong nhiệm kỳ 4 năm làm Tổng thống. Xét trên mọi bình diện, từ chính trị đến kinh tế, xã hội, người dân Ai Cập đều chưa hài lòng về sự điều hành của Tổng thống Morsi. Họ cho rằng trong suốt một năm qua, ở Ai Cập chưa có được bất kỳ thay đổi tích cực nào. Nền kinh tế Ai Cập vẫn khủng hoảng nặng nề, giá cả tăng gấp đôi so với cuối năm ngoái. Số liệu Bộ Tài chính Ai Cập công bố ngày 20/6 cho thấy thâm hụt ngân sách trong 11 tháng qua (từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013), tăng lên gần 30 tỷ USD, tương đương 11,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tăng đáng kể so với mức thâm hụt gần 20 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Nợ nước ngoài của Ai Cập cũng tăng 15,5% lên hơn 38 tỷ USD. Tỷ lệ thất nghiệp tăng tới mức báo động là 13%.

Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi.
Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi (Ảnh: internet)


Trên chính trường, Tổng thống Mohamed Morsi tiếp tục nỗ lực thâu tóm quyền lực với hành động mới nhất là ký sắc lệnh bổ nhiệm hàng loạt thành viên thân cận làm tỉnh trưởng mới. Với việc bổ nhiệm này, Anh em Hồi giáo hiện kiểm soát 10 trong số 27 tỉnh, thành trên toàn quốc, trong đó có những địa phương được xem là thành trì của phe đối lập.



Khủng hoảng về kinh tế cùng với việc củng cố quyền lực đã khiến sự bất mãn của người dân Ai Cập tăng cao, đi kèm theo đó là tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Morsi giảm mạnh. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Viện Nghiên cứu Zogby (ZRS) công bố ngày 17/6 cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Morsi chỉ còn 28%. Con số này thấp hơn nhiều so với 57% của một năm trước.



Đáng buồn hơn, sự bất mãn của người dân đã chuyển thành các cuộc biểu tình mà theo thống kê của Trung tâm Phát triển Quốc tế (IDC), số lượng các cuộc biểu tình tại Ai Cập sau một năm cầm quyền của Tổng thống Mohamed Morsi đã phá vỡ mọi kỷ lục, với tổng cộng 9.427 cuộc. Con số này cao gấp 7 lần so với thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak, người bị lật đổ đầu năm 2011. Chưa dừng lại ở đó, theo giới quan sát, căng thẳng sẽ còn dữ dội hơn vào ngày 30/6 khi phe đối lập phát động hàng loạt cuộc biểu tình quy mô lớn trên toàn quốc nhằm đòi ông Morsi từ chức và tổ chức bầu cử Tổng thống trước thời hạn. Nguy cơ này là hiện hữu khi nhóm đối lập Tamarod (Nổi dậy) đã thu thập được 15 triệu chữ ký yêu cầu bãi nhiệm Tổng thống Morsi, nhiều hơn 2 triệu so với số người đã bỏ phiếu cho ông trong vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống trước đây.



Trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng, phát biểu trên truyền hình ngày 26/6, Tổng thống Mohamed Morsi hứa sẽ tiến hành cải cách và kêu gọi đối thoại dân tộc. Ông  cảnh báo sự chia rẽ chính trị đã ở mức có thể đe dọa đến nền dân chủ, làm tê liệt đất nước cũng như gây nên bất ổn. Tuy nhiên, bài diễn văn không làm giảm được sự chia rẽ đang hoành hành ở quốc gia bắc Phi này. Minh chứng là một ngày sau đó,  phe đối lập và các lực lượng cách mạng Ai Cập đã công bố lộ trình giai đoạn chuyển tiếp trong trường hợp Tổng thống Mohamed Morsi từ chức. Lộ trình bao gồm việc giải thể Hội đồng Shoura (Thượng viện Ai Cập), cơ quan do phe Hồi giáo kiểm soát và nắm quyền lập pháp kể từ khi Quốc hội bị giải tán vào tháng 6/2012, đình chỉ Hiến pháp hiện nay và tiến hành soạn thảo Hiến pháp mới. Cũng theo lộ trình này, một Thủ tướng độc lập sẽ được bầu chọn để lãnh đạo Chính phủ kỹ trị với nhiệm vụ triển khai kế hoạch kinh tế khẩn cấp nhằm giải cứu nền kinh tế của Ai Cập đang khủng hoảng và thực hiện các chính sách công bằng xã hội.



Rõ ràng, dấu ấn một năm sau khi nhậm chức của Tổng thống Mohamed Morsi được đánh dấu bởi hàng loạt sự kiện buồn và đặt Chính phủ Ai Cập trước nhiều thách thức sống còn. Trái ngược với sự vui mừng của người dân một năm trước, giờ đây, Ai Cập lại tiếp tục loay hoay với bài toán bất ổn mà xem ra lời giải còn rất xa vời./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu