Ai Cập trước nguy cơ bất ổn mới

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5)- Trước nguy cơ đất nước Ai cập rơi vào vòng xoáy khủng hoảng mới, ngày 29/11, Tổng thống nước này Mohamed Morsi đã phải khẳng định Tuyên bố hiến pháp mà ông ban hành 1 tuần trước đây, trong đó dành nhiều ưu tiên cho Tổng thống, sẽ vô hiệu sau khi Ai cập có Hiến pháp mới. Lời khẳng định này là động thái nhượng bộ mới nhất của ông Morsi trước sự phản ứng dữ dội của dư luận trong nước về bản Tuyên bố Hiến pháp, tuy nhiên, xem ra hành động của Tổng thống Morsi là chưa đủ khi mà mâu thuẫn trên chính trường Ai cập chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

(VOV5)- Trước nguy cơ đất nước Ai cập rơi vào vòng xoáy khủng hoảng mới, ngày 29/11, Tổng thống nước này Mohamed Morsi đã phải khẳng định Tuyên bố hiến pháp mà ông ban hành 1 tuần trước đây, trong đó dành nhiều ưu tiên cho Tổng thống, sẽ vô hiệu sau khi Ai cập có Hiến pháp mới. Lời khẳng định này là động thái nhượng bộ mới nhất của ông Morsi trước sự phản ứng dữ dội của dư luận trong nước về bản Tuyên bố Hiến pháp, tuy nhiên, xem ra hành động của Tổng thống Morsi là chưa đủ khi mà mâu thuẫn trên chính trường Ai cập chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Mọi việc bắt nguồn từ ngày 22/11 khi Tổng thống Mohamed Morsi ban hành Tuyên bố Hiến pháp trong đó có quy định các cơ quan tư pháp không có quyền phủ quyết, bãi bỏ hoặc sửa đổi bất cứ điều luật, tuyên bố hay sắc lệnh nào do Tổng thống Morsi ban hành kể từ khi ông nhậm chức ngày 30/6 vừa qua cho đến khi Hiến pháp mới được thông qua và Quốc hội mới được bầu ra. Theo giới phân tích, quyết định này đã hạn chế đáng kể quyền hạn của cơ quan tư pháp, là sự can thiệp của cơ quan hành pháp vào cơ quan tư pháp. Tuyên bố của Tổng thống cũng vi phạm Luật tổ chức cơ quan tư pháp, theo đó, Tổng thống không thể can thiệp vào công việc của cơ quan tư pháp. Đó là chưa kể đến việc Tuyên bố Hiến pháp cũng thông báo kéo dài thời gian hoàn thành Hiến pháp, từ 6 tháng lên 8 tháng, tính từ ngày thành lập Hội đồng Lập hiến. Ngay sau khi ban hành Tuyên bố Hiến pháp, Tổng thống Morsi đã sa thải Tổng công tố Abdel Meguid Mahmud, người mà ông không thể phế truất hồi tháng trước, và bổ nhiệm người thay thế. Tổng thống Morsi cũng ban hành "Luật bảo vệ Cách mạng ngày 25/1/2011", theo đó khôi phục điều tra các vụ sát hại và âm mưu sát hại những người biểu tình trong cuộc nổi dậy lật đổ chế độ của Tổng thống Mubarak năm ngoái.

Ai Cập trước nguy cơ bất ổn mới - ảnh 1

Người biểu tình tràn về thủ đô Cairo trong ngày 27/11 theo lời kêu gọi của phe đối lập. (Ảnh: Reuteurs)

Hành động của ông Morsi đã gây bất bình trong chính giới Ai cập khi họ cho rằng Tổng thống có ý đồ thâu tóm quyền lực. Các lực lượng đối lập, trong đó có Hiệp hội các thẩm phán, cáo buộc Tuyên bố của Tổng thống Morsi nhằm bảo vệ các sắc lệnh của ông khỏi bất kỳ phán quyết nào của tòa án là một “cuộc đảo chính hiến pháp” chống lại các quy tắc pháp quyền và tính độc lập của tư pháp. Cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ông Mohamed ElBaradei, thì cảnh báo việc Tổng thống thâu tóm quyền lực có thể gây ra những hậu quả tàn khốc. Giới thẩm phán và báo chí Ai Cập đã kêu gọi đình công trên toàn quốc để phản đối ông Morsi, một diễn biến tương tự như đã từng xảy ra trong cuộc chính biến lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak. Theo Câu lạc bộ Thẩm phán,  99% các tòa án và cơ quan tố tụng Ai Cập đã đình công chống lại sắc lệnh của Tổng thống.

Ai Cập trước nguy cơ bất ổn mới - ảnh 2

Bạo động phản đối Tổng thống Ai Cập Mursi (ảnh: AFP)

Trong khi đó, làn sóng biểu tình đã dâng cao tại Ai cập đòi chính phủ từ chức. Những người biểu tình tuyên bố sẽ bám trụ tại Tahrir cho đến khi Tổng thống hủy bỏ Tuyên bố Hiến pháp. Trên lĩnh vực kinh tế, thị trường chứng khoán Ai cập cũng bị thiệt hại nghiêm trọng khi mất gần 4,8 tỷ USD trong ngày 25/11, mức thiệt hại lớn nhất kể từ khi thị trường này mở cửa trở lại sau làn sóng chính biến lật đổ chế độ của Tổng thống Hosni Mubarak tháng 2/2011.

Ai Cập trước nguy cơ bất ổn mới - ảnh 3
Người biểu tình ném hơi cay trong cuộc đụng độ với cảnh sát.(Ảnh: Reuteurs)

Trước nguy cơ bất ổn ngày một leo thang, ngày 29/11, Tổng thống Mohamed Morsi đã phải khẳng định Tuyên bố hiến pháp sẽ vô hiệu sau khi Ai cập có Hiến pháp mới. Và ngày 29/11 (giờ địa phương), ông có bài phát biểu trên truyền hình giải thích lý do ban hành Tuyên bố Hiến pháp đồng thời kêu gọi sự thống nhất quốc gia. Trong khi đó, Hội đồng Hiến pháp nước này ngày 28/11 đã hoàn tất các cuộc thảo luận về dự thảo Hiến pháp. Tổng Thư ký Hội đồng Hiến pháp Amr Darrag cho biết Hội đồng sẽ bỏ phiếu về bản dự thảo cuối cùng này vào cuối ngày 29/11 (giờ địa phương) và trình bản dự thảo được thông qua lên Tổng thống Morsi. Theo ông Darrag, giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ai Cập là hoàn tất bản Hiến pháp mới trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, đây là việc làm không dễ dàng.Và người dân Ai cập vẫn còn phải chờ đợi để có một chính quyền đủ mạnh , hoạt động theo đúng hiến định của Hiến pháp Ai cập./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu