Mới đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo thường niên về tình hình buôn người trên thế giới (TIP) năm 2019, tiếp tục xếp Việt Nam ở nhóm 2 cần được theo dõi. Báo cáo có những nhận xét chưa được khách quan và chính xác, không phản ánh những nỗ lực to lớn của Việt Nam trong việc đấu tranh, phòng chống tội phạm buôn bán người trong thời gian qua.
Trao trả những phụ nữ Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc trong 1 vụ án buôn người năm 2018. - Ảnh:China Daily |
Vấn đề mua bán người một loại hình tội phạm nguy hiểm, là vấn đề nhức nhối tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Vấn nạn này không chỉ xâm hại đến quyền con người, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, tính mạng của nạn nhân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự của đất nước.
Nhiều năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Những nhận xét thiếu khách quan
Báo cáo TIP năm 2019 mới đây của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục cho rằng Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu làm giảm tình trạng mua bán người nhưng cũng có những nỗ lực đáng kể.
Báo cáo cho rằng việc xác định và hỗ trợ nạn nhân còn chậm chạp và chưa hiệu quả, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên ngành và cán bộ cấp tỉnh không nhất quán khi áp dụng luật nên đã gây trở ngại cho công tác phòng chống mua bán người. Hầu hết các công ty tuyển dụng lao động hoặc các công ty môi giới không được cấp phép đã thu phí tuyển dụng với mức rất cao so với mức phí luật pháp quy định đối với người đi xin việc; những người mắc nợ thường có nguy cơ cao về lao động cưỡng bức; Chính phủ không có báo cáo nào về việc điều tra, truy tố số quan chức vi phạm mặc dù có báo cáo về sự thông đồng của các quan chức với nạn mua bán người.
Không ngừng nỗ lực đấu tranh với nạn buôn người
Việc nhìn nhận, đánh giá một vấn đề cần phải dựa trên những thông tin xác thực, có kiểm chứng, nếu không sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ hai nước, gây những hiểu lầm và tạo cớ để các thế lực thù địch suy diễn, xuyên tạc về tình hình Việt Nam.
Thực tế, việc phòng chống mua bán người được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và được tiến hành trên rất nhiều lĩnh vực, từ phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm cũng như hỗ trợ nạn nhân.
Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư một cách hợp pháp, an toàn và trật tự, đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng, chống di cư trái phép và nạn mua bán người. Chính phủ cũng đã ban hành, triển khai nhiều chính sách pháp luật nhằm thực hiện những chủ trương này. Có thể kể đến Luật Phòng, chống mua bán người; Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hay Nghị định 62 của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân của họ. Mới đây nhất, ngày 20/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc trong đó đề ra các giải pháp toàn diện và bao trùm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý di cư, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư.
Tuyên truyền giúp người dân cảnh giác trước nạn mua bán người. - Ảnh: Báo Đại đoàn kết
|
Ngoài ra, Việt Nam hiện nay đang rà soát, nghiên cứu nhằm xây dựng Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nguy cơ mua bán người, giảm tội phạm mua bán người, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả các nạn nhân của thực trạng mua bán người. Cùng với đó, Việt Nam cũng tích cực hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, phát huy vai trò của cơ quan đại diện ở nước ngoài trong việc nắm tình hình, kịp thời phát hiện và giải cứu nạn nhân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, hồi hương công dân Việt Nam là nạn nhân bị mua bán trở về nước. Vấn đề mua bán người là mối nguy cơ trên toàn cầu trong suốt 20 năm qua. Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, song những nỗ lực của Việt Nam là không thể phủ nhận.