Kế hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Giải pháp lớn nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa bàn trọng điểm.

Ngày 6/3/2020, Chính phủ Việt Nam ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kế hoạch với các giải pháp cụ thể này sẽ thúc đẩy Việt Nam, quốc gia có bờ biển dài 3.260 km từ bắc xuống nam và hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ cùng 28 tỉnh, thành phố ven biển, phát huy được lợi thế, tiềm năng to lớn trong phát triển bền vững kinh tế biển.

Kế hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam - ảnh 1

Ảnh minh họa

Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra 6 nội dung, giải pháp về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ; về phát triển kinh tế biển, ven biển; về nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Phát triển kinh tế biển, ven biển

Giải pháp lớn nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo; hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, các loại hình du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng. Việt Nam sẽ thí điểm phát triển các tuyến du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ kết hợp với dịch vụ biển khác, đồng thời xúc tiến quảng bá du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế kết nối với các tuyến du lịch quốc tế.

Việt Nam sẽ phát triển hệ thống cảng biển theo quy hoạch tổng thể và thống nhất trên quy mô cả nước nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo cơ sở vật chất kỹ thuật để nhanh chóng hội nhập và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Cùng với đó, việc tìm kiếm, thăm dò khoáng sản, dầu khí, các dạng hydrocarbon phi truyền thống tại các bể trầm tích vùng nước sâu xa bờ nhằm gia tăng trữ lượng khoáng sản, dầu khí sẽ được tiếp tục. Việt Nam cũng sẽ tập trung phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, ven biển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển các nghề khai thác hải sản xa bờ, viễn dương theo hướng công nghiệp, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Việt Nam cũng xây dựng và vận hành các mô hình tổ chức sản xuất trong nuôi trồng và khai thác hải sản hợp lý.

Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển

Việt Nam sẽ bổ sung và xây dựng đầy đủ hạ tầng kinh tế - xã hội đảm bảo cuộc sống cho người dân ở các vùng biển, hải đảo, xây dựng, hoàn thiện và phát triển các thiết chế văn hóa cho cộng đồng dân cư biển và ven biển, duy trì, phục hồi và phát triển các lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa; bảo tồn không gian văn hóa, kiến trúc và di sản thiên nhiên, duy trì, phát triển các trung tâm văn hóa đặc trưng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển. Triển khai thực hiện việc giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về biển, đại dương, khả năng sinh tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, tránh thiên tai cho học sinh, sinh viên trong tất cả các bậc học, cấp học.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ biển

Về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển, Chính phủ yêu cầu đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ biển gắn với điều tra cơ bản biển. Hình thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xuất sắc: công nghệ sinh học biển, công nghệ vũ trụ trong giám sát biển, khai thác đáy biển sâu trên cơ sở kế thừa và phát triển nguồn lực sẵn có và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Hoàn thiện việc tích hợp, số hóa cơ sở dữ liệu về biển và hải đảo của các bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu biển quốc gia.Triển khai thực hiện quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị ven biển đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo theo hướng bền vững, dựa vào hệ sinh thái, thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đáp ứng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu