Tích cực hợp tác quốc tế về biển để thực thi UNCLOS

Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam đã luôn đề cao mục tiêu, tôn chỉ và các quy định của UNCLOS, nỗ lực triển khai các biện pháp để thực thi UNCLOS; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để thực thi  UNCLOS.

Ngày 10/12/2019, tại New York (Mỹ), đại diện Việt Nam đã phát biểu tại phiên họp với chủ đề “Đại dương và Luật biển” của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 74, khẳng định vai trò quan trọng của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Đây là một trong số các hoạt động quan trọng của Việt Nam trong suốt 25 năm qua, với tư cách là thành viên có trách nhiệm trong các cơ chế được thực hiện UNCLOS. Việt Nam đã luôn đề cao mục tiêu, tôn chỉ và các quy định của UNCLOS, nỗ lực triển khai các biện pháp để thực thi UNCLOS; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để thực thi  UNCLOS.

Tích cực hợp tác quốc tế về biển để thực thi UNCLOS - ảnh 1 Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 25 năm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) có hiệu lực và và Việt Nam trở thành thành viên UNCLOS.  - Ảnh: VOV

Kể từ khi trở thành thành viên UNCLOS  vào năm 1994, Việt Nam đã tích cực hoạt động tại các cơ chế được thành lập theo UNCLOS. Đề cao hợp tác quốc tế về biển, đặt vấn đề này trong tổng thể chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế và khu vực, phù hợp với phương châm “chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển” là tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XII năm 2018. Việc tăng cường hợp tác quốc tế về biển nhằm mục đích khai thác tối đa các tiềm năng mà biển đem lại cũng như để giải quyết, xử lý các thách thức đặt ra nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định tại Biển Đông, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Tăng cường hợp tác quốc tế về biển

Việt Nam luôn tích cực phát triển quan hệ với các quốc gia trên thế giới, theo đó không ngừng mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về biển. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia, trong đó đã thiết lập 3 quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, 13 quan hệ đối tác chiến lược và 12 quan hệ đối tác toàn diện. Trong đó, đáng chú ý là quan hệ đối tác với nhiều nước bao gồm các lĩnh vực khác nhau liên quan đến biển, tạo cơ sở tốt cho việc hợp tác cũng như tận dụng sự hỗ trợ để phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường biển. Hình thức hợp tác quốc tế về biển đa dạng, thông qua việc tham gia các điều ước quốc tế về biển, trong đó có 28 điều ước quốc tế song phương và 29 điều ước quốc tế đa phương. Việt Nam cũng tích cực hợp tác với các quốc gia có tiềm lực mạnh về biển nhằm tranh thủ kinh nghiệm, khoa học - công nghệ và nguồn viện trợ của các nước để xây dựng các dự án hợp tác trong lĩnh vực quản lý tổng hợp biển và hải đảo như trắc địa và bản đồ biển, nghiên cứu địa chất, khoáng sản biển, quản lý bền vững vùng biển và vùng bờ tại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, các diễn đàn liên quan đến biển và đại dương như bảo vệ môi trường biển, hợp tác khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, xây dựng năng lực… Nổi bật nhất, tại Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia và thông qua các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) trong đó có mục tiêu số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và đại dương. Việt Nam cũng đã đưa ra sáng kiến về thành lập Diễn đàn hợp tác mở rộng giữa các nước G7 và các quốc gia ven biển về ứng phó biến đối khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường sinh thái biển.

Tích cực hợp tác quốc tế về biển để thực thi UNCLOS - ảnh 2 Hướng dẫn xuồng đưa đoàn công tác đến đảo Đá Lát (Trường Sa). - Ảnh: Trần Việt/TTXVN

 Hợp tác quốc tế đi vào chiều sâu và phong phú

Nội dung hợp tác quốc tế về biển của Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu và phong phú, trải rộng từ khai thác tài nguyên biển và kinh tế biển như dầu khí, thủy sản, du lịch biển, đảo, vận tải biển, khai thác cảng biển đến bảo tồn tài nguyên, môi trường biển, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, phát triển khoa học - công nghệ biển, thu hút nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn vốn khác đầu tư về cơ sở hạ tầng, các công trình phòng chống thiên tai cho các xã vùng ven biển, tăng cường năng lực phòng tránh thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu…

Cụ thể, về lĩnh vực thủy sản, Việt Nam tích cực hợp tác với các nước trong lĩnh vực này, đặc biệt là về chống khai thác IUU. Việt Nam đã ký kết 4 điều ước quốc tế và 17 thỏa thuận quốc tế về các lĩnh vực liên quan đến nghề cá và hợp tác trên biển với các nước trong và ngoài khu vực như Malaysia, Myanmar, Indonesia, Ai Cập, Liên bang Nga…

Nhằm kịp thời thông báo các thông tin về hoạt động của tàu cá và ngư dân trên biển, các thỏa thuận về thiết lập đường dây nóng trong các hoạt động nghề cá cũng đã được ký kết trong đó gồm thỏa thuận ký với Australia về chống IUU, khai thông đường dây nóng Việt Nam - Philippines vào năm 2015, thiết lập đường dây nóng với Trung Quốc năm 2013 về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển…Ngoài ra, các địa phương của Việt Nam cũng đã hợp tác, triển khai dự án với các đối tác nước ngoài nhằm nâng cao khả năng, chất lượng khai thác, nuôi trồng, thu mua và chế biến hải sản. Việt Nam cũng hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế để phát triển du lịch biển, bảo tồn tài nguyên và môi trường biển, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, phát triển khoa học, công nghệ biển, bảo đảm an ninh, an toàn trên biển.

Hoạt động hợp tác quốc tế về biển của Việt Nam những năm qua giúp huy động các nguồn lực, tri thức cần thiết để phát triển kinh tế biển, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời biểu thị rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực thi đầy đủ những nội dung của UNCLOS. Điều quan trọng là trong suốt quá trình thực thi UNCLOS, đặc biệt là gần đây, Việt Nam đã không ngừng đấu tranh bằng biện pháp hòa bình với các hành vi vi phạm UNCLOS của Trung Quốc ở Biển Đông. Tinh thần trách nhiệm này của Việt Nam góp phần quan trọng vào việc tăng cường tin cậy chính trị, quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, từng bước giải quyết các tranh chấp trên biển và tạo dựng môi trường biển hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu