Hướng tới một Hệ thống Lương thực bền vững

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Hội nghị toàn cầu lần thứ hai (tháng 2/2019), tại Costa Rica, đã thống nhất phát triển các hình thức hợp tác theo hướng có lợi cho hệ thống lương thực bền vững.

Đầu tuần tới (24/4), tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị toàn cầu lần thứ tư Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững - Mạng lưới Một hành tinh của Liên hợp quốc. Hội nghị nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể để việc chuyển đổi hệ thống thực phẩm có thể diễn ra ở cấp quốc gia.

Đây là Hội nghị cấp Bộ trưởng với sự tham dự của 300 đại biểu, trong đó, khoảng 200 đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế. Với chủ đề “Chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới”, Hội nghị sẽ xem xét các rào cản, thách thức chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, đồng thời đề xuất các giải pháp cho việc đảm bảo an ninh lương thực trên toàn cầu.

Thúc đẩy hợp tác đa phương vì hệ thống lương thực bền vững

Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững là hệ thống hướng đến mục tiêu an ninh lương thực và dinh dưỡng, chế độ ăn lành mạnh, đồng thời hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường và cải thiện phúc lợi kinh tế - xã hội.

Hướng tới một Hệ thống Lương thực bền vững  - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Hệ thống này đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nỗ lực để đạt được tất cả 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, hiện nay, việc xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm bền vững đang gặp nhiều trở ngại do đứt gãy chuỗi cung ứng từ cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh; bất ổn chính trị ở một số quốc gia…

Thực tế trên đòi hỏi sự hợp tác giữa các quốc gia để xây dựng một hệ thống thực phẩm bền vững, đặc biệt khi dân số thế giới sẽ đạt khoảng 10 tỷ người vào năm 2050 (hiện nay khoảng 8 tỷ người). Theo ông Stefanos Fotiou, Giám đốc Văn phòng Mục tiêu Phát triển Bền vững của Tổ chức nông lương thế giới, kiêm Giám đốc Trung tâm Điều phối Hệ thống Lương thực của Liên hợp quốc, chủ nghĩa đa phương là cách duy nhất để các nước có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề mang tính hệ thống. Không quốc gia nào có thể một mình thúc đẩy hệ thống thực phẩm bền vững. Và sự hợp tác trong khuôn khổ Liên hợp quốc vẫn là không gian quý giá cho hợp tác toàn cầu, mang lại cơ hội bình đẳng cho tất cả.

Để thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực này, cho đến nay, Liên hợp quốc đã tổ chức 03 hội nghị toàn cầu. Với tư duy hành động, tăng cường đối thoại và hợp tác ở tất cả các cấp, nhiều sáng kiến đã được nêu ra và chứng minh được hiệu quả sau 3 lần hội nghị.

Hướng tới một Hệ thống Lương thực bền vững  - ảnh 2Toàn cảnh buổi họp báo giới thiệu về Hội nghị tại Hà Nội. Ảnh:  qdnd.vn

Tại hội nghị toàn cầu lần đầu tiên (6/2017) ở Nam Phi, các đại biểu thống nhất mở rộng mạng lưới Chương trình Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững (SFS) để có nhiều bên liên quan tham gia hơn từ châu Phi và châu Á. Bên cạnh những bài thuyết trình và thảo luận trong các phiên chuyên đề, một chủ đề chung đã xuất hiện. Đó là sự cần thiết phải chuyển từ lời nói sang hành động và khơi dậy ý thức chính trị để đảm bảo môi trường chính sách tốt hơn. Đây được xem là yếu tố then chốt để đẩy nhanh sự thay đổi trong hệ thống thực phẩm. 

Hội nghị toàn cầu lần thứ hai (tháng 2/2019), tại Costa Rica, đã thống nhất phát triển các hình thức hợp tác theo hướng có lợi cho hệ thống lương thực bền vững; tăng cường tầm nhìn và hiểu biết chung trong xây dựng lòng tin và phát triển năng lực, nhất là với những đối tượng nhạy cảm, yếu thế. 

Tại Hội nghị lần thứ 3 được tổ chức trực tuyến (tháng 12/2020),  các ý kiến đều thống nhất rằng sự phát triển của các hệ thống lương thực thực phẩm bền vững là trọng tâm để đạt được tất cả các mục tiêu phát triển bền vững, như: góp phần xóa đói giảm nghèo, chấm dứt nạn đói, đạt được an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe và phúc lợi xã hội, thúc đẩy việc làm bền vững...

Tại hội nghị toàn cầu lần thứ 4 này (24 -27/4), ông Stefanos Fotiou, Giám đốc Văn phòng Mục tiêu Phát triển Bền vững của Tổ chức nông lương thế giới, kiêm Giám đốc Trung tâm Điều phối Hệ thống Lương thực của Liên hợp quốc, cho biết mục tiêu là chuyển từ thách thức sang giải pháp. Trong hội nghị, các đại biểu sẽ chuyển trọng tâm từ câu hỏi “tại sao” sang "làm thế nào" để việc chuyển đổi hệ thống thực phẩm có thể diễn ra ở cấp quốc gia.

Việt Nam: thành viên có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu

Lý do Liên hợp quốc lựa chọn Việt Nam để tổ chức hội nghị lần thứ tư là do qua nhiều giai đoạn phát triển, Việt Nam nổi lên là nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 trên thế giới. Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu nông sản với giá trị 54 tỷ USD và năm nay hướng đến 55 tỷ USD. Việt Nam là nước được Liên hợp quốc đánh giá cao trong trách nhiệm lương thực với thế giới.

Việc đăng cai hội nghị diễn ra trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, phát thải thấp, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học. Trên cơ sở đó, Việt Nam mong muốn sẽ truyền tải được thông điệp về thương hiệu nông nghiệp ra quốc tế là “Nhà cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững”. Đồng thời, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, bao gồm an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, đại dịch mới nổi.

Còn chưa đầy 10 năm nữa là đến thời điểm hoàn thành Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc, với mục tiêu chính là xóa đói giảm nghèo và đưa thế giới hướng tới hòa bình, thịnh vượng và cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người. Việc diễn ra Hội nghị toàn cầu lần thứ tư Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững - Mạng lưới Một hành tinh của Liên hợp quốc vào đầu tuần tới là bước đi cần thiết để góp phần hoàn thành Chương trình nghị sự 2030, thúc đẩy phát triển bền vững trên toàn cầu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu