Việt Nam đang triển khai thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Trong nỗ lực chung này, hoạt động lập pháp của Quốc hội Việt Nam tập trung xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, góp phần hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ảnh minh họa. Nguồn: chinhphu.vn |
Theo đó, trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, Quốc hội tập trung xây dựng cơ sở pháp lý để xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền; bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước.
Thực hiện tốt chức năng của Nhà nước, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Nhà nước tập trung vào quản lý vĩ mô, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Hoàn thiện hệ thống pháp luật để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh.
Theo hướng này, Quốc hội tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, tăng tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Hoàn thiện cơ chế giám sát, đánh giá đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Thiết lập đồng bộ, gắn kết cơ chế giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân với kiểm tra, giám sát của Đảng, với giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân.
Trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền công dân, Quốc hội hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Xây dựng cơ chế pháp lý để hiện thực hóa nội dung mới được bổ sung tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng là "dân giám sát, dân thụ hưởng" để thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát của Nhân dân. Tạo cơ sở pháp lý để làm cho người dân trao quyền mà không mất quyền, các cơ quan nhà nước và cá nhân được trao quyền mà không tiếm quyền của dân; đây là vấn đề quyết định nhất bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự thuộc về Nhân dân. Phát huy mạnh mẽ và đặt yêu cầu lắng nghe Nhân dân, phục vụ Nhân dân là yêu cầu tối cao trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thành trọng trách mà Nhân dân giao.
Hoạt động lập pháp hướng đến mục tiêu con người, tức là giải phóng mọi tiềm năng của dân, chăm lo bồi dưỡng sức dân, phát triển sức dân lại phải tiết kiệm sức dân. Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các luật cụ thể hóa quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp 2013.
Trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phát triển bền vững kinh tế - xã hội - môi trường, Quốc hội Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ và những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng hệ thống pháp luật phát huy đổi mới sáng tạo, tận dụng tối đa lợi ích và giảm thiểu tối đa rủi ro, hướng đến việc giải quyết hiệu quả hàng loạt các vấn đề đặt ra trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội với bảo vệ môi trường.
Trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hội nhập quốc tế, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nhiều hình thức hội nhập quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn. Nội luật hóa đầy đủ và phù hợp những điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tích cực và có trách nhiệm trong việc tham gia các hoạt động xây dựng các điều ước quốc tế. Theo đó, chủ động chuyển từ việc tham gia các luật chơi định sẵn thành chủ thể thiết kế luật chơi trên trường quốc tế, từng bước đề xuất các điều ước quốc tế từ thực tiễn Việt Nam.
Trong quy trình lập pháp, Quốc hội tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp, mở rộng dân chủ trong xây dựng pháp luật để các quy định của luật có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, có căn cứ khoa học. Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng và thẩm tra luật.Nghiên cứu xây dựng cơ chế pháp luật để điều chỉnh hoạt động vận động chính sách trong xây dựng pháp luật bảo đảm khách quan, minh bạch, có kiểm soát, giám sát chặt chẽ. Đây là biện pháp cần thiết, hữu hiệu để mở rộng dân chủ trong hoạt động lập pháp của Việt Nam.
Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hoạt động của Quốc hội, nâng cao vai trò của Quốc hội, cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Việt Nam là nền tảng cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp luật góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.