Dân chủ và quyền con người có mối liên hệ mật thiết với nhau. Vì vậy, để bảo vệ và thúc đẩy có hiệu quả các quyền con người đòi hỏi tăng cường và mở rộng, phát huy dân chủ. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân,phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội.
Dân chủ xã hội chủ nghĩa, một đặc trưng quan trọng của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Cương lĩnh năm 2011 của Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định: "Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm". Đây là những quan điểm được tổng kết, có tính khái quát cao về dân chủ, khẳng định bản chất của chế độ xã hội Việt Nam là "dân chủ" và "nhân dân làm chủ", trở thành một trong tám đặc trưng của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam xây dựng.
Các Ủy viên Trung ương Đảng biểu quyết thông qua chương trình Hội nghị Trung ương 14 khóa XII_Ảnh: TTXVN |
Xác định dân chủ xã hội chủ nghĩa là mục tiêu phấn đấu, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, các văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội và Hiến pháp 2013 của Việt Nam được ban hành với nhiều điểm mới, trong đó có vấn đề liên quan đến dân chủ, quyền con người, quyền làm chủ của nhân dân. Hệ thống các văn bản pháp luật về dân chủ trong hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước được cụ thể hóa và thể chế hóa.
Bộ Chính trị đã ban hành "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội" và "Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền" và nhiều quy định khác. Các hình thức thực hiện dân chủ (dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp) được coi trọng. Việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, cũng như: Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã đạt những kết quả quan trọng. Bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội mở rộng hơn. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội có nhiều đổi mới theo hướng phát huy dân chủ, tinh gọn bộ máy; phát huy vai trò chủ động, tích cực, dân chủ, tự giác của các hội viên, đoàn viên...
Sau hơn 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và đặc biệt là sau 10 năm thực hiện Cương lĩnh( bổ sung và phát triển năm 2011), Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả về dân chủ trên các lĩnh vực.Thực hành dân chủ trong Đảng tiếp tục có bước phát triển mới, khuyến khích tự do tư tưởng trong sinh hoạt Đảng, tôn trọng sự khác biệt trong quan điểm, ý kiến cá nhân trên tinh thần xây dựng.Về thực hành dân chủ trong các cơ quan nhà nước, thể hiện trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hoạt động của Quốc hội tiếp tục đổi mới, theo hướng chuyên nghiệp, dân chủ tiếp tục được coi trọng hơn. Hoạt động của chính phủ được đổi mới theo hướng xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ kiến tạo nhằm phát huy dân chủ trong thực thi hành chính công. Các cơ quan tư pháp tiếp tục được kiện toàn, hoạt động theo hướng thượng tôn pháp luật, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Về thực hành dân chủ trong hoạt động Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, tiếp tục được phát huy; tích cực tham gia tư vấn, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước trong từng thời kỳ. Về những thành tựu này, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, "Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng"; "Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là trong lĩnh vực chính trị, kinh tế". Quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn, hệ trọng của đất nước được quan tâm. Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm đối với xã hội.
Để tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ 21, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam đã xác định: tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Hiến pháp năm 2013. Thực hiện tốt, có hiệu quả trong thực tế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, dân chủ cơ sở theo phương châm dân biết dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.
Văn kiện Đại hội XIII cũng yêu cầu các tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo nền tảng chính trị, pháp lý để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo phải tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân.
Phát huy tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa là khơi dậy sức mạnh tiềm tàng và vô tận trong nhân dân để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những điểm mới về dân chủ xã hội chủ nghĩa, và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam kế thừa những kết quả của việc thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đóng góp vào sự phát triển đất nước trong điều kiện mới, tiếp tục khơi dậy quyền làm chủ của nhân dân về khát vọng phát triển đất nước, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030, và 100 năm thành lập nước vào năm 2045.