Hoàn thiện thể chế, chính sách và nguồn lực để phát triển văn hóa

Bá Thi + CTV
Chia sẻ
(VOV5) - Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn đề cao vai trò của văn hóa và công tác phát triển văn hóa phục vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Thực tế cho thấy thành tựu phát triển văn hóa đã có những đóng góp to lớn, hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước, trở thành một trong những trụ cột của phát triển bền vững. Vì lẽ đó, việc hoàn thiện thể chế, chính sách và nguồn lực để phát triển văn hóa ngày càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhà nước và của toàn xã hội.  

Hoàn thiện thể chế, chính sách và nguồn lực để phát triển văn hóa - ảnh 1Một tiết mục biểu diễn văn hóa nghệ thuật tại Hà Nội. Ảnh: Thanh Thảo/ kinhtedothi.vn

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” tại Bắc Ninh ngày 17/12 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết thời gian qua, thể chế về văn hóa theo quan điểm của Đảng đã được xác lập nhất quán trong hệ thống pháp luật, khẳng định sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa là của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo và thụ hưởng, đội ngũ trí thức văn nghệ sỹ giữ vai trò quan trọng. Nhiều chính sách văn hóa đã tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, việc xây dựng thể chế và chính sách về phát triển văn hóa còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Hoàn thiện thể chế, chính sách và nguồn lực để phát triển văn hóa - ảnh 2Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại “Hội thảo Văn hoá 2022”. Ảnh: quochoi.vn

Tính cấp thiết của việc hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển văn hóa

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021) đã xác định: phát triển toàn diện, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Một trong những đột phá chiến lược trong giai đoạn tới là phải hoàn thiện thể chế chính sách, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội khẳng định việc hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi thông các nguồn lực để phát triển văn hóa chính là một trong những giải pháp quan trọng, đóng góp vào việc chấn hưng và phát triển văn hóa. Qua đó, cụ thể hóa, hiện thực hóa mục tiêu chấn hưng, phát triển văn hóa theo đường lối, chủ trương của Đảng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc triển khai nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu: “Thể chế và chính sách về văn hóa phải có tính kiến tạo cho việc chấn hưng và phát triển văn hóa. Văn hóa phải là một trong những trụ cột phát triển bền vững đất nước. Phải giải quyết được mối quan hệ giữa yếu tố dân tộc và yếu tố quốc tế, tiếp đến là giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa”.

Hoàn thiện thể chế, chính sách và nguồn lực để phát triển văn hóa - ảnh 3Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” được tổ chức tại Bắc Ninh, ngày 17/12. Ảnh: quochoi.vn

Triển khai đồng bộ, kịp thời các thể chế, chính sách văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển

Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải tạo hành lang pháp lý, tổ chức và triển khai thuận lợi mọi hoạt động văn hóa trong khuôn khổ pháp luật dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy tối đa năng lực sáng tạo sự đa dạng năng động của văn hóa, tạo điều kiện hội nhập thị trường văn hóa quốc tế. Đồng thời, chú trọng đến tính đặc thù của văn hóa vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng; vừa bảo đảm tự do sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn; giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Đặc biệt, việc hoàn thiện thể chế, chính sách văn hóa phải được tiến hành một cách đồng bộ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: cần quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa; phải hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Thể chế, chính sách về văn hóa phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, coi trọng yếu tố đặc thù, kế thừa hồn cốt giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời phải tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới. Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định: “Thể chế, chính sách về văn hóa phải đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, thực sự hiệu lực, hiệu quả, tạo lập môi trường thuận lợi cho phát triển văn hóa. Phân cấp, phân quyền, xác định rõ quyền hạn, nghĩa vụ của các chủ thể thực hiện. Quy định rõ trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Quá trình xây dựng, ban hành pháp luật, chính sách phải thận trọng, chắc chắn, lấy quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân, lợi ích quốc gia dân tộc làm trọng tâm”.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”. Vì vậy, hoàn thiện thể chế, chính sách và nguồn lực để phát triển văn hóa chính là bước hiện thực hóa trực tiếp, thiết thực và cụ thể yêu cầu phát triển trong tình hình mới, đáp ứng mục tiêu phát triển đất nước toàn diện, cân bằng và bền vững.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu