Hoàn thiện thể chế chính sách đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Một nghị quyết riêng về định hướng chiến lược trong thu hút, sử dụng vốn  FDI được thông qua chắc chắn sẽ giúp nâng cao hiệu quả của dòng vốn này hơn nữa trong thời gian tới.

Sau 30 năm thực hiện thu hút và sử dụng FDI, nền kinh tế Việt Nam đã thu được những hiệu quả tích cực. Tiếp tục thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là trọng tâm ưu tiên của Việt Nam trong giai đoạn tới. Theo đó, Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Hoàn thiện thể chế chính sách đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới - ảnh 1

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài tại Bình Dương - Ảnh: Lê Toàn/Báo Đấu Thầu

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nguồn lực quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, đóng góp khoảng gần 20% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của cả nước. Hiện, FDI đã đóng góp 70% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam hàng năm, góp phần tạo ra nguồn ngoại tệ và là một trong những thành tố chính góp phần vào xuất siêu của Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Tính đến hết năm 2018, cả nước có hơn 27 ngàn 500 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động, đến từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng đầu tư cam kết là 340 tỷ USD, trong đó thực hiện đạt 140 tỷ USD.

Xây dựng chiến lược, tầm nhìn cho thu hút FDI

Những kết quả thu hút FDI thời gian qua có được là nhờ tình hình chính trị ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện, tốc độ mở cửa thương mại cao và lợi thế về vị trí địa lý của Việt Nam... Đặc biệt, việc Chính phủ Việt Nam luôn tập trung chỉ đạo cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư. Điều này đã tác động rất tích cực đến khu vực FDI và được cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng nhận thức được cần phải có một sự thay đổi chiến lược về chính sách để duy trì khả năng cạnh tranh, bảo đảm sự bền vững của luồng vốn FDI tiếp nhận được và đẩy mạnh FDI có giá trị gia tăng cao. Do vậy, Việt Nam cần xây dựng định hướng mới cho thu hút FDI. Tại Hội nghị tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới diễn ra ngày 14/2 tại Bình Dương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: "Chính phủ chủ trương tổng kết, đánh giá 30 năm thu hút và sử dụng FDI và xây dựng Đề án để trình cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu. Nếu chất lượng đề án đảm bảo tốt sẽ đưa ra nghị quyết quan trọng về định hướng, hoàn thiện thể chế và chính sách để nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng FDI trong thời gian tới".

Tận dụng lợi thế từ CMCN 4.0 để thu hút FDI

Hiện nay, Việt Nam đang duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, tiến hành công nghiệp hóa-hiện đại hóa dựa vào thu hút vốn FDI và xuất khẩu. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng này sẽ đứng trước thách thức lớn trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 khi rô bốt, trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế sức lao động của con người, hoạt động sản xuất, chế tạo trong tương lai sẽ quay trở lại các nước công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, thách thức lớn nhưng cơ hội cũng rất nhiều. Môi trường thuận lợi cho CMCN 4.0 cùng với kỹ năng và công nghệ tương xứng của Việt Nam sẽ là một sự đề xuất giá trị hấp dẫn nhằm thu hút loại hình đầu tư FDI có định hướng xuất khẩu giá trị gia tăng nhiều hơn. Tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp trong và ngoài nước cuối năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định: "Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách pháp luật theo đường hướng kinh tế thị trường định hướng XHCH của Việt Nam. Chúng tôi cũng phải tiếp tục lắng nghe thêm các ý kiến của doanh nghiệp để hoàn thiện chính sách pháp luật đất nước, địa phương tốt hơn nữa theo thông lệ quốc tế. Liền với đó là đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại quốc tế và như vậy một không gian phát triển rất lớn của doanh nghiệp, không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam và cả doanh nghiệp quốc tế đầu tư tại Việt Nam. Tôi cho rằng những cải cách bước đầu như vậy sẽ tạo môi trường tốt, tạo sự yên tâm lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi làm ăn đầu tư tại Việt Nam".

Bên cạnh tiếp tục nỗ lực tạo dựng một thể chế kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với những chuẩn mực, thông lệ tốt nhất có thể, Việt Nam cũng đang thúc đẩy tinh thần kinh doanh khuyến khích đầu tư và đổi mới, chuyển giao công nghệ; cải thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chính phủ cũng đang tiếp tục hoàn thiện Đề án Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu và và sử dụng vốn FDI đến năm 2030 để báo cáo Bộ Chính trị xem xét thông qua. Một nghị quyết riêng về định hướng chiến lược trong thu hút, sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được thông qua chắc chắn sẽ giúp nâng cao hiệu quả của dòng vốn này hơn nữa trong thời gian tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu