Sau 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu vực doanh nghiệp FDI đang trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế đất nước, đóng góp 25% GDP, trên 70% giá trị xuất khẩu, giải quyết việc làm cho cho 8-9 triệu người lao động. Đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI còn thúc đẩy quá trình cải cách, hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy địa phương, doanh nghiệp, vùng miền phát triển…
Công nhân sản xuất linh kiện điện tử tại Nhà máy Canon vốn đầu tư của Nhật Bản tại Khu Công nghiệp Phố Nối A. (Nguồn TTXVN) |
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hiện tại là thời điểm tốt để điều chỉnh chính sách, chiến lược trong thu hút FDI vì Việt Nam đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, môi trường lợi thế so sánh đang rất tốt. Ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc thu hút vốn FDI thời gian tới cần tập trung sàng lọc, chọn lọc dự án đầu tư nước ngoài. Theo đó, cần thu hút được công nghệ cao, công nghệ tiên tiến không ảnh hưởng đến môi trường, phải định hướng phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, tạo chính sách thu hút công nghệ tốt: "Chúng ta đưa ra các rào cản kỹ thuật một cách hợp lý mà được quốc tế chấp nhận, phù hợp với cam kết quốc tế mà chúng ta tham gia. Cần chọn lọc các nhà đầu tư tốt thật sự có chất lượng, hiệu quả đây là vấn đề quan trọng trong thời gian tới. Chúng ta nên tập trung vào các dự án có hàm lượng công nghệ cao, có dịch vụ mới hơn như dịch vụ tài chính, logictic…để tạo được giá trị cao hơn thay vì chúng ta thu hút dự án sử dụng nhiều lao động, gia công lắp ráp… Do đó cần có sự điều chỉnh trong chính sách."