Liệu động thái nhượng bộ này của Ottawa có đủ để tạo lập một hiệp ước mới giữa ba bên?
Tuần trước, Hoa Kỳ và Mexico đã nhất trí về việc sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), gây áp lực buộc Canada đồng ý với các điều khoản mới về hoạt động thương mại với mặt hàng xe hơi. Thậm chí, Hoa Kỳ còn tuyên bố NAFTA có thể đàm phán riêng rẽ với từng nước hoặc NAFTA không cần đến sự tham gia của Canada.
Nguy cơ NAFTA biến thành thỏa thuận song phương
Từ khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump liên tục có những động thái rút khỏi hoặc sửa đổi các thỏa thuận thương mại nếu nó đe dọa đến lợi ích thương mại của Mỹ. Việc Mỹ gây áp lực lên quốc gia láng giềng Canada trong đàm phán NAFTA cũng không nằm ngoài mục tiêu bảo hộ thương mại này của Washington.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EPA.
|
Những lời đe doạ cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đưa ra sau khi Mỹ và Canada không đạt được thoả thuận trong cuộc đàm phán do bất đồng về việc quy định các tranh chấp thương mại liên quan đến chống bán phá giá. Phía Mỹ muốn Canada bỏ quy định về chống bán phá giá đối với các mặt hàng như sữa, bơ nhập khẩu, trong khi phía Canada muốn ngăn chặn việc Mỹ sử dụng các quy định về chống bán phá giá và lý do an ninh để áp thuế với các mặt hàng của Canada. Việc Mỹ áp thuế thế giới đã từng chứng kiến qua hành động tăng thuế lên 10% và 25% với mặt hàng nhôm và thép của Mỹ gần đây.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây sức ép với Canada với việc yêu cầu quốc gia láng giềng phía bắc phải dỡ bỏ cơ chế quản lý nguồn cung, đồng thời khẳng định sẽ không chấp nhận một phiên bản Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mới mà không có điều khoản cho phép đàm phán lại NAFTA 5 năm một lần. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết, Washington sẵn sàng rời bỏ phiên bản NAFTA hiện nay để đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do riêng rẽ với Canada và Mexico.
Những tuyên bố cứng rắn của ông Trump đưa ra trong bối cảnh nước này và Mexico mới đây đạt được những thỏa thuận căn bản. Với việc từng rút Mỹ khỏi nhiều thoả thuận đa phương quan trọng hơn nhiều so với NAFTA, dư luận đang đặt câu hỏi liệu lời đe doạ của ông Donald Trump có trở thành hiện thực, để đưa NAFTA thành một “cuộc chơi” chỉ còn Mỹ và Mexico?
Không dễ để Canada đứng ngoài cuộc chơi
Theo các nhà phân tích, ông Donald Trump có thể thực hiện lời đe dọa của mình, nếu xét về mặt pháp lý. Nhưng về mặt chính trị, đó chắc chắn sẽ là một bước đi không dễ dàng. Lợi ích kinh tế cũng là yếu tố mà Mỹ sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng nếu muốn xúc tiến một thỏa thuận NAFTA không có Canada và Quốc hội Mỹ hiểu rất rõ điều đó.
Trong 25 năm tồn tại, với những quy định loại bỏ hầu hết thuế quan giữa Mỹ - Canada – Mexico, NAFTA đã góp phần định hướng lại hoàn toàn các lĩnh vực sản xuất của cả 3 quốc gia. Có thể thấy, hầu hết các lĩnh vực sản xuất của Mỹ và Canada có sự “ràng buộc” nhau ở mức độ chặt chẽ hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Canada hiện là thị trường xuất khẩu số một của Mỹ trong 2 năm gần đây. Nếu ông Donald Trump thực sự loại bỏ Canada khỏi NAFTA và áp mức thuế 25% đối với ô tô sản xuất tại Canada, đó sẽ là quyết định tác động tiêu cực tới cả các nhà sản xuất và người tiêu dùng Mỹ. Và điều quan trọng là với bất kỳ phiên bản NAFTA mới nào, việc hội đủ cả 3 quốc gia Bắc Mỹ mới có thể tạo nên sức cạnh tranh cho toàn khu vực trước các nhà sản xuất châu Á và châu Âu.
Ngoài ra, ông Trump và đảng Cộng hòa tại Quốc hội Hoa Kỳ sẽ tái tranh cử vào tháng 11. Một thỏa thuận song phương có thể sẽ phải đối mặt với sự phản đối trong Quốc hội Mỹ. Nhiều thành viên Quốc hội Mỹ đã lên tiếng rằng họ sẽ không thông qua bất cứ thỏa thuận mới nào nếu không có sự xuất hiện của Canada.
Do đó, không dễ gì mà Mỹ và Canada lại không nỗ lực tích cực đàm phán để đạt được một NAFTA có đủ 3 bên. Hiện, thời hạn chót để ký thỏa thuận NAFTA mới còn hơn 80 ngày nữa. Trong khoảng thời gian này, Mỹ Canada còn nhiều cơ hội để giải quyết các bất đồng còn tồn đọng để có thể đi tới một NAFTA sửa đổi giữa ba bên. Trong tuyên bố đưa ra mới đây, cả đại diện Canada và Mỹ đều bày tỏ sự lạc quan về tiến trình đàm phán và những tín hiệu này đều đem đến hy vọng về một thỏa thuận thương mại tự do mới hài lòng tất cả các bên.