Ngoài sự lao dốc của một số thị trường chứng khoán chủ chốt, thế giới cũng ghi nhận sự mất giá của nhiều đồng nội tệ so với USD. Về lâu dài, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang trở thành nguy cơ lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài sẽ khiến triển vọng kinh tế toàn cầu có thể càng mờ mịt hơn, tiến trình toàn cầu hóa cũng có thể gặp nhiều trắc trở. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn sẽ lôi kéo các nền kinh tế khác vào cuộc và châm ngòi cho cuộc chiến thương mại quy mô toàn cầu. Lý do là phần lớn tăng trưởng của thế giới tùy thuộc vào các hoạt động giao thương.
Đồng Nhân dân tệ đang chịu sức ép giảm giá lớn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung-Mỹ leo thang - Ảnh: SCMP. |
Tác động tiêu cực tới nhiều thị trường
Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Myanmar cùng một số nước khác đã chứng kiến các đồng nội tệ mất giá. Từ tháng 6, giá trị đồng rupee của Ấn Độ hạ xuống mức thấp nhất từ trước tới nay, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc cũng giảm 3,2%. Mức độ ảnh hưởng của các nước là khác nhau tùy theo mức độ phụ thuộc vào 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Những lo ngại của giới đầu tư khi cân nhắc đổ tiền vào châu Á vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được xem là một yếu tố chủ yếu khiến giá trị các đồng tiền ở các nước châu Á sụt giảm.
Trong khi đó, đối với Hàn Quốc, tuy đồng won không bị mất giá song quốc gia Đông Bắc Á này cũng là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vì đây là hai đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc. Báo cáo của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc cho biết GDP của nước này dự đoán sẽ giảm 0,018%, tương đương khoảng 236,49 triệu USD, trong 1 năm tới nếu Mỹ và Trung Quốc mỗi nước áp đặt mức thuế 25% đánh vào một lượng hàng hóa trị giá 50 tỷ USD của nhau.
Tuy nhiên Hàn Quốc vẫn chưa phải là quốc gia bị thiệt hại lớn nhất. Vị trí này thuộc về vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) với mức giảm dự kiến sẽ là 0,025%. Canada đứng ở vị trí thứ ba, tiếp sau là Mexico và Ireland. Những con số này được tính toán dựa trên giả thuyết rằng GDP của Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm tương ứng 0,1% và 0,2% bởi cuộc chiến thương mại.
Ứng phó
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu là điều rõ ràng tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng sự sụt giá của các đơn vị tiền tệ châu Á nhiều khả năng sẽ không leo thang tới mức khủng hoảng. Lý do là các cơ quan đặc trách chính sách tiền tệ ở châu Á đã rút ra được bài học từ những đợt tiền giảm giá trong quá khứ, như đã xảy ra vào năm 2013, 2015 và 2016. Họ đã có những phản ứng kịp thời và tỏ ra nhạy bén hơn. Đơn cử như tại Indonesia, để củng cố đồng rupiah, giới chức nước này đã tăng lãi suất 4 lần trong vòng 3 tháng. Các cơ quan đặc trách chính sách tiền tệ ở Ấn Độ và Philippines cũng tăng lãi suất trong năm nay. Ngoài ra, hiện nay các nước châu Á giữ nhiều ngoại tệ dự trữ hơn và kiểm soát tốt hơn mức thâm hụt ngân sách của họ.
Trong khi đó, đối với các nền kinh tế khác như Hàn Quốc thì đang từng bước giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc và Mỹ trong dài hạn đồng thời mở rộng quan hệ đối tác thương mại với các nước khác như Ấn Độ và các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Bộ Thương mại Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc tới xuất khẩu của Hàn Quốc và sẽ tăng cường hỗ trợ các công ty đang cố gắng thâm nhập các thị trường thay thế.
Trong bối cảnh này, ngày 22 - 23/8, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau tại Washington để trao đổi nhằm chấm dứt bế tắc trong việc giải quyết những bất đồng thương mại. Dự kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ gặp nhau tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào giữa tháng 11 tới, tại Papua New Guinea. Tiếp đó, là cuộc tiếp xúc tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Buenos Aires (Argentina) vào cuối tháng 11.
Vấn đề áp thuế nhập khẩu và chiến tranh thương mại toàn cầu có thể khiến tăng trưởng GDP của thế giới giảm 1%-3% trong vài năm tới. Trong nền kinh tế mở, tác động tiêu cực của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đối với các quốc gia là khó tránh khỏi. Vì vậy, cùng với các cuộc đàm phán của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới thì sự chủ động, linh hoạt ứng phó của các quốc gia là rất cần thiết để giảm thiểu những tác hại.