Hiệp định Paris 1973 – thành quả của cuộc đấu tranh chính nghĩa

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Cách đây 41 năm, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân và nền ngoại giao Việt Nam. Hiệp định Paris 1973 là sự minh chứng hùng hồn cho chân lý "đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”, củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa.
(VOV5) - Cách đây 41 năm, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân và nền ngoại giao Việt Nam. Hiệp định Paris 1973 là sự minh chứng hùng hồn cho chân lý "đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”, củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa.

 

Hiệp định Paris 1973 – thành quả của cuộc đấu tranh chính nghĩa - ảnh 1
Người Hà Nội mừng hiệp định Paris được ký kết (Ảnh: RIA Novosti)


Hiệp định Paris 1973 được ký kết sau hơn 4 năm 8 tháng đàm phán. Đại diện 4 bên đặt bút ký vào Hiệp định là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, đại diện Việt Nam Dân chủ cộng hoà,  đại diện Việt Nam cộng hoà và chính phủ hợp chủng quốc Hoa Kỳ.  


Củng cố niềm tin của nhân dân yêu hòa bình vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa.

 

Việc ký hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam đã kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam ở thế kỷ 20, đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam sau hơn 19 năm đấu tranh kiên cường trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao chống Mỹ xâm lược. Các cuộc chiến trên chiến trường và trên bàn đàm phán đều nhằm mục tiêu buộc Mỹ chấm dứt chiến tranh, cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

 

Ký hiệp định Paris, Mỹ đã phải chấm dứt ném bom miền Bắc, rút toàn bộ quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam. Nhân dân Việt Nam đã thực hiện được chiến lược đánh cho Mỹ cút, mở ra cục diện mới, tạo tiền đề vững chắc để quân và dân Việt Nam tiến lên đánh cho ngụy nhào với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh.

 

Thắng lợi này trước hết bắt nguồn từ cuộc kháng chiến vĩ đại của quân và dân Việt  Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nỗ lực phi thường, quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Sự lãnh đạo sáng suốt của  Đảng đã vạch ra đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường lối quốc tế độc lập tự chủ, đúng đắn, sáng tạo. Ngoài ra, Việt Nam đã chủ động thúc đẩy hình thành được mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ.  

 

Bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên trưởng đoàn đàm phán Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, cho rằng cuộc đấu tranh về quân sự, chính trị trên chiến trường đã tạo thế cho cuộc đấu tranh về ngoại giao. Bà nói: Trên hết là đánh giá công lao của các chiến sỹ và đồng bào suốt 20 năm đấu tranh. Bao nhiêu người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống. Chúng ta hiểu rằng nếu không có Tết Mậu Thân năm 1968, không có cuộc giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm tại Thành cổ, không có trận Điện  Biên Phủ trên không cũng như không có hậu phương vững chắc là miền Bắc thì không có Hiệp định Paris. Và đương nhiên không có Hiệp định Paris thì không có đại thắng Mùa xuân 1975.

 

Hành trang vững chắc để Việt Nam tiến vào giai đoạn hội nhập quốc tế

 

Việc ký kết Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam đã buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, rút khỏi Việt Nam và Đông Dương. Nguỵ mất chỗ dựa về quân sự và bị suy yếu. Hiệp định đã mở ra giai đoạn mới, tạo điều kiện cho việc hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

 

Hội nghị Paris và Hiệp định Paris 1973 để lại nhiều bài học sâu sắc, có ý nghĩa lớn trong tình hình hiện nay. Các bài học của Hiệp định Paris được xem là hành trang quý giá để Việt Nam vững chắc  tiến vào giai đoạn hội nhập quốc tế, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, củng cố thế và lực của đất nước. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Trước hết là bài học về sự  lãnh đạo sáng suốt của Đảng, mở ra mặt trận ngoại giao, phát huy thế mạnh của ngoại giao, phối hợp chặt chẽ với các mặt trận chính trị, quân sự, lãnh đạo chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất các mặt trận, tạo ra sức mạnh tổng hợp, giành toàn thắng. Thứ 2  là bài học về kiên định về đường lối ngoại độc lập, tự chủ vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vận dụng đúng đắn phương châm ngoại giao Hồ Chí Minh dĩ bất biến, ứng vạn biến, tạo thời cơ kéo địch vào đàm phán  chủ động tấn công ngoại giao  và kết thúc đàm phán khi điều kiện chín muồi. Xử lý hài hoà quan hệ giữa các nước lớn đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế rộng rãi để làm nên thắng lợi.

 

41 năm đã trôi qua nhưng những giá trị mà Hội nghị Paris và Hiệp định Paris đem lại luôn trường tồn trong lịch sử dựng nước và bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu