Giữ ổn định vĩ mô là trọng tâm trong điều hành nền kinh tế

Thành Chung- Văn Hiếu
Chia sẻ
(VOV5)- Những vấn đề kinh tế tiếp tục là nội dung chủ đạo trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, diễn ra hôm qua, tại Hà Nội. Trong phiên họp này, Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định quyết tâm kiên định kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

(VOV5)- Những vấn đề kinh tế tiếp tục là nội dung chủ đạo trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, diễn ra hôm qua, tại Hà Nội. Trong phiên họp này, Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định quyết tâm kiên định kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.


Tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam từ đầu năm tới nay nhìn chung phát triển theo chiều hướng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sau mấy tháng âm thì đến tháng 7, đã tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 2,68% so với tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia, tốc độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam không nhanh như mong muốn, nói cách khác là kinh tế vẫn tăng trưởng dưới mức tiềm năng.

Giữ ổn định vĩ mô là trọng tâm trong điều hành nền kinh tế - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, cái khó bao trùm hiện nay của nền kinh tế là sức mua kém. Thông thường, sức mua hay nhu cầu thấp thì phải tăng cầu nhưng nếu không cẩn thận, việc tăng cầu có thể gây lạm phát. Trong thời gian tới, Việt Nam phải đặt mục tiêu điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ bám vào mục tiêu dài hạn hơn, cố gắng kiềm chế lạm phát ở mức 7%, đưa tốc độ tăng trưởng nhích dần lên. Chính phủ đã đề ra mục tiêu kiềm chế lạm phát xuống mức thấp ngay lập tức, đưa tăng trưởng tăng cao ngay mà điều quan trọng là giữ ổn định vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tạo đà cho các bước tiếp theo. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: “Mỗi khi chỉ số giá tiêu dùng chững lại hay tăng âm thì có luồng ý kiến cho rằng cần phải kích cầu lên nếu không kinh tế tăng trưởng chậm quá và dường như mục tiêu kiềm chế lạm phát không còn khó khăn nữa. Tuy nhiên, dựa trên ý kiến các chuyên gia và phân tích của các thành viên Chính phủ, thì việc giữ ổn định vĩ mô vẫn là trọng tâm mà chúng ta không lơ là được.”

Trước nhận định mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm nay là khả thi nhưng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% thì rất khó khăn, tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, nhất là thị trường tiêu thụ nông sản. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng các Bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ khó khăn về thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là đối với những mặt hàng xuất khẩu được coi là thế mạnh của Việt Nam như lúa gạo, thủy sản, cà phê. Bộ cũng sẽ tích cực triển khai các chương trình phát triển thị trường trong nước, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần tăng tiêu thụ, kích thích tăng tổng cầu.


Giữ ổn định vĩ mô là trọng tâm trong điều hành nền kinh tế - ảnh 2

Tăng trưởng tín dụng, giải ngân mạnh nguồn vốn đầu tư cũng được coi là những biện pháp thiết thực để tăng tổng cầu của nền kinh tế. Đề cập lĩnh vực này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: “Một là phải tăng tín dụng. Dư địa còn lớn. 7 tháng mới tăng tín dụng 4,9, trong khi dự tính là 12%. Bây giờ cái chính là tăng tổng cầu. Tuy nhiên cần lưu ý là không để tăng nợ xấu. Tăng tín dụng để tăng tổng cầu. Kênh này rất quan trọng. nhưng đi liền với đó là chất lượng tín dụng. Kênh thứ 2 là kênh đầu tư Nhà nước. 7 tháng nhìn lại thì thấy đầu tư từ ngân sách Nhà nước chưa đạt 50%. Bây giờ phải tập trung việc vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí năm 2013 phải sử dụng hết đi liền với đó là quản lý chặt chẽ. Trái phiếu Nhà nước năm 2013 phải sử dụng hết, rồi công trình nào có khả năng hoàn thành trong 2013 thì ứng vốn của 2014 để tăng đầu tư.”

Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau; tính toán đảm bảo vốn đối ứng để giải ngân vốn ODA gắn với chỉ đạo kiên quyết hoàn thành kế hoạch giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các dự án phát triển hạ tầng giao thông thiết yếu.

Như vậy, với các giải pháp cụ thể trong quyết tâm điều hành của Chính phủ, kinh tế Việt Nam trong những tháng tới được kỳ vọng sẽ giữ được sự ổn định và tăng trưởng đúng như tiềm năng./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu