Gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen để tránh khủng hoảng lương thực toàn cầu

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Nga và Ukraine là những nhà cung cấp lương thực chính trên toàn cầu và Nga cũng là nhà xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới. 

Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp các nước trong Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa kết thúc sau 2 ngày họp ở thành phố Miyazaki của Nhật Bản. Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp, các bộ trưởng kêu gọi gia hạn thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, kêu gọi các bên liên quan triển khai đầy đủ cũng như mở rộng thỏa thuận này. Trong khi đó, ngày 24/4, Tổng thư ký Liên hợp quốc Atonio Guterres cũng đã đề xuất phương án giải quyết thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại New York.

Hồi tháng 7/2022, tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, nhờ Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, Nga và Ukraine đã đạt được một thỏa thuận chung về việc tạo hành lang an toàn cho hàng xuất khẩu nhằm tránh gây ra vấn đề khủng hoảng lương thực toàn cầu. Thỏa thuận được gọi là Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, ban đầu có hiệu lực trong 120 ngày, sau đó được gia hạn thêm 120 ngày vào tháng 11/2022 và tiếp tục gia hạn 60 ngày hôm 18/3 vừa qua.

Gian nan con đường xuất khẩu ngũ cốc

Nga và Ukraine là những nhà cung cấp lương thực chính trên toàn cầu và Nga cũng là nhà xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới. Trước khi xung đột xảy ra, hai nước này chiếm tổng cộng 28% tổng lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu và con số này là 75% đối với dầu hướng dương. 

Trước đây, sản phẩm nông nghiệp của Ukraine và Nga xuất khẩu chủ yếu qua những cảng ở Biển Đen. Nhưng, khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, các cảng ở Biển Đen giáp Ukraine đã bị Nga phong tỏa.

Gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen để tránh khủng hoảng lương thực toàn cầu - ảnh 1Các Bộ trưởng Nông nghiệp G7 nhóm họp ở Miyazaki, Nhật Bản. Ảnh: The Yomiuri Shimbun

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen cho phép Ukraine xuất khẩu các lô hàng ngũ cốc qua Biển Đen qua một số cảng biển được chỉ định, đồng thời giúp Nga xuất khẩu lương thực và phân bón dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xuất khẩu ngũ cốc của hai nước theo thỏa thuận vẫn bị hạn chế nhiều. Tính đến nay, Ukraine xuất khẩu khoảng hơn 27 triệu tấn ngũ cốc từ 03 cảng của Ukraine ở Biển Đen, giảm gần một nửa so với con số hơn 40,6 triệu tấn qua đường biển. Còn những cảng khác, bao gồm cả cảng Mykolaiv quan trọng nhất, vẫn đang đóng cửa. Do đó, Ukraine đã phải chuyển sang sử dụng đường bộ và mở rộng thương mại sang những cảng nhỏ bên sông Danube. Tuyến đường bộ đi từ miền Bắc Ukraine qua Belarus cũng bị đóng cửa gần như hoàn toàn, buộc Ukraine phải vận chuyển lượng lớn ngũ cốc qua các quốc gia Đông Âu.

Trong khi đó, Nga đã nhiều lần khẳng định việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, cụ thể là kết nối của Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT bị ngắt. Hôm 24/4, người đứng đầu Liên minh Ngũ cốc Nga Arkady Zlochevsky cho biết Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen chưa mang lại điều gì tích cực cho Nga hoặc giúp thúc đẩy cung ứng nông sản cho thị trường toàn cầu. Đồng thời cảnh báo nếu những biện pháp hạn chế của phương Tây nhằm ngăn chặn xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga không được dỡ bỏ, Nga sẽ rút khỏi thỏa thuận này vào ngày 18/5 tới.

 

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen cần được tuân thủ đầy đủ

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 24/4 có cuộc thảo luận về Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tại New York (Mỹ). Trước đó, trong bức thư kín gửi đến Tổng thống Nga Vladimir Putin và các bên liên quan gồm Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã đề xuất hướng giài quyết vấn đề này. Gần đây, Nga tuyên bố sẽ không đàm phán tiếp tục gia hạn thỏa thuận nếu không có tiến triển trong giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống liên quan đến việc kết nối thanh toán, nguồn cung máy móc và bảo hiểm. Bởi, thỏa thuận mà Nga ký kết có những điều khoản thể hiện Liên hợp quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga trong thời gian 3 năm. Đây chính là điểm mấu chốt khiến thỏa thuận liên tục trong tình trạng bị đe dọa phá vỡ.

Trong khi đó, trước thực tế nguồn cung thị trường bị hạn chế, Bộ trưởng Nông nghiệp G7 đã kêu gọi gia hạn thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, cũng như tuân thủ đầy đủ và mở rộng phạm vi thỏa thuận này.

Lời kêu gọi đưa ra trong bối cảnh các tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Chương trình Lương thực Thế giới, đêu cảnh báo sự gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu. Hàng chục quốc gia đang ghi nhận lạm phát ở mức hai con số, trong khi 349 triệu người tại 79 quốc gia đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng, trong đó nhiều quốc gia ở châu Phi được xác định là điểm nóng về nạn đói. Nếu thỏa thuận hành lang ngũ cốc sụp đổ và lệnh cấm tiếp tục duy trì, hàng triệu tấn ngũ cốc sẽ bị kẹt lại và các bên liên quan phải hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang ngày càng hiện hữu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu