Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 vừa kết thúc tại Philippines với nhiều kết quả quan trọng. Một kết quả nổi bật là các nhà lãnh đạo của 10 nước Đông Nam Á và Trung Quốc đã đồng ý khởi động quá trình đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước ASEAN, các đối tác truyền thống ASEAN tham dự Hội nghị ASEAN-31. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Đây được xem là dấu mốc quan trọng nhất của các nước ASEAN và Trung Quốc suốt 15 năm qua trong việc tìm kiếm một công cụ pháp lý nhằm giải quyết các bất đồng trên biển Đông.
An ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông luôn là tâm điểm trong chương trình nghị sự của các diễn đàn cấp cao khu vực, trong đó có ASEAN và đây cũng là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ASEAN trong suốt 5 thập kỷ hình thành và phát triển. Và Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 vừa diễn ra tại Manila, Philippines cũng không là ngoại lệ.
Tại đây, một lần nữa các nhà lãnh đạo ASEAN tái khẳng định cam kết chung về duy trì và thúc đẩy hoà bình, an ninh và ổn định khu vực, giải quyết hoà bình các tranh chấp, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC và sớm đạt được Bộ quy tắc COC hiệu quả.
Vùng biển chiến lược
Thực tế, Biển Đông luôn là chủ đề được quan tâm bàn thảo tại các diexn đàn khu vực. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 31 lần này cũng vậy, hầu như bất kỳ nhà lãnh đạo ASEAN hay các nước đối tác, bên đối thoại của ASEAN khi phát biểu tại hội nghị đều đề cập vấn đề Biển Đông, đặc biệt là cách thức duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không ở đây. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu bởi những căng thẳng, tuyên bố chủ quyền đơn phương và phi lý cũng như sự xâm hại nghiêm trọng môi trường tại Biển Đông đang là những nhân tố gây mất ổn định cho một vùng biển rộng lớn, mang ý nghĩa vô cùng quan trọng với khu vực và toàn cầu.
Trước các nguy cơ ngày một tăng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, các nước đều nhấn mạnh các thành viên cần đoàn kết, thống nhất nhằm củng cố nội lực, tăng cường tham vấn và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ứng phó hiệu quả với các thách thức, bảo đảm duy trì môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế và cuộc sống an bình cho người dân.
Trong bối cảnh đó, việc lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN và Trung Quốc thông qua Tuyên bố về Thập kỷ bảo vệ môi trường bờ biển và trên biển ở Biển Đông giai đoạn 2017-2027, mang ý nghĩa đặc biệt. Nó tạo cơ sở và ràng buộc để bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học trên Biển Đông cho dù đang có tranh chấp, căng thẳng.
Bên cạnh Tuyên bố chung giữa 10 thành viên ASEAN với Trung Quốc về bảo vệ môi trường ở Biển Đông, các thành viên ASEAN và Trung Quốc còn nhất trí bắt đầu đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), một văn kiện mang tính ràng buộc pháp lý để phòng ngừa xung đột, giải quyết các bất đồng và tranh chấp. Theo đó, các cuộc đàm phán về COC có thể bắt đầu được tổ chức vào năm 2018.
Đề cao các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình
Có thể khẳng định thành công quan trọng nhất của ASEAN kể từ khi thành lập cho đến nay là việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực thông qua thúc đẩy quan hệ hòa bình giữa các quốc gia thành viên cũng như với các đối tác bên ngoài. ASEAN được xem như là một cơ chế điều tiết, ngăn chặn những khác biệt song phương, không để các khác biệt này biến thành các điểm nóng xung đột.
Trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN (tháng 8/2017), Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã chia sẻ để duy trì được hòa bình, ASEAN đã chủ động thúc đẩy cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ trong đó tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều cùng tồn tại và tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế.
Cụ thể, ASEAN đã xây dựng các công cụ quan trọng nhằm đề cao các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và giải quyết ôn hòa các tranh chấp giữa các thành viên cũng như các nước bên ngoài. Có thể kể đến như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng, tạo khuôn khổ căn bản để ngăn chặn xung đột và gây dựng niềm tin, vốn có thể bị xói mòn bởi các hành động đơn phương chống lại các nguyên tắc hòa bình, ổn định, đối thoại và hợp tác ở Biển Đông. Bên cạnh đó, ASEAN cũng tạo dựng được thói quen tham vấn và ý thức đoàn kết thông qua các cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo và quan chức khu vực.
Việc ASEAN và Trung Quốc nhất trí khởi động quá trình đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần này thêm một lần nữa khẳng định tính đoàn kết trong ASEAN, khẳng định những nỗ lực không mệt mỏi của tất cả thế hệ các Nhà Lãnh đạo ASEAN nhằm vun đắp hòa bình, xây dựng lòng tin và sự hợp tác, đưa Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển.