Đẩy mạnh hợp tác kinh tế song phương với các nước truyền thống

Ánh Huyền- Thùy Vân
Chia sẻ
(VOV5)- Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là dịp quan trọng để Việt Nam tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
(VOV5)- Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là dịp quan trọng để Việt Nam tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Từ hôm nay (3/6) tới ngày 6/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Bồ Đào Nha và Cộng hòa Bulgaria. Là thành viên của Liên minh châu Âu, cả Bồ Đào Nha và Bulgaria đều có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với Việt Nam. Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là dịp quan trọng để Việt Nam tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là đẩy mạnh hợp tác kinh tế song phương với hai quốc gia vốn có nhiều tiềm năng này. 

Đẩy mạnh hợp tác kinh tế song phương với các nước truyền thống - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra đúng vào dịp Việt Nam và Bulgaria kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Bồ Đào Nha. Là 2 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, cả Bồ Đào Nha và Bulgaria đều là những nước có sự phát triển kinh tế khá tốt, đặc biệt trong các lĩnh vực có thể tương đồng với kinh tế Việt Nam. Hơn nữa, qua Việt Nam, với triển vọng Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ có hiệu lực từ năm 2016, Bồ Đào Nha và Bulgaria cũng mong muốn Việt Nam sẽ là cửa ngõ để các nước thúc đẩy hợp tác với khu vực ASEAN rộng lớn và nhiều tiềm năng. 


Coi trọng thúc đẩy hợp tác với Bồ Đào Nha
Theo đại sứ Việt Nam tại Pháp kiêm nhiệm Bồ Đào Nha Nguyễn Ngọc Sơn, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Bồ Đào Nha có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quan hệ hai nước vì đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam đến Bồ Đào Nha và là dịp hai nước kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, dù đã có bề dày 40 năm quan hệ, nhưng cho đến nay, theo đánh giá của cả hai bên, quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là quan hệ kinh tế còn ở mức rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi bên. Vì thế, dư luận hai nước trông đợi rất nhiều ở chuyến thăm cấp cao này. Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng: Chuyến thăm của Thủ tướng đến Bồ Đào Nha sẽ đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ hai nước. Thông qua chuyến thăm này, thông qua các văn kiện được ký kết trong dịp này sẽ mở ra một triển vọng mới trong quan hệ giữa hai nước. Thông qua chuyến thăm lần này, sẽ giúp các bạn Bồ Đào Nha hiểu biết hơn về Việt Nam. Và đặc biệt Diễn đàn doanh nghiệp giữa hai nước, dự kiến sẽ có khoảng gần 100 doanh nghiệp Việt Nam tham dự diễn đàn với đông đảo doanh nghiệp của Bồ Đào Nha, hai bên có thể hiểu biết nhiều hơn về thị trường của nhau và qua đó có thể thiết lập sự hợp tác trong tương lai. 


Trong chuyến thăm, bên cạnh các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo hàng đầu Bồ Đào Nha, chứng kiến ký kết một số văn bản hợp tác giữa hai nước như Hiệp định tránh đánh thuế trùng, Hiệp định hợp tác giữa hai bộ ngoại giao, Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực du lịch, một sự kiện nổi bật trong chuyến thăm này là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng với Thủ tướng Bồ Đào Nha chủ trì Diễn đàn kinh tế biển 2015. Dự kiến sẽ có khoảng 50 nước và các tổ chức quốc tế tham dự trong đó có những tổ chức quan trọng như Liên hợp quốc, như Tổ chức hợp tác và phát triển OECD, Tổ chức nông lương thế giới FAO. Đánh giá ý nghĩa của hoạt động này, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Bồ Đào Nha cũng rất coi trọng chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam và đánh giá cao vai trò của Việt Nam nên đã mời Thủ tướng đồng chủ trì Diễn đàn Kinh tế biển. Việc chúng ta tham dự diễn đàn này cũng là một cơ hội để Việt Nam có thể tìm hiểu sâu hơn về mối quan tâm chung của các nước trên thế giới đối với vấn đề đại dương cũng như có thể đóng góp những ý kiến của Việt Nam vào việc bảo vệ môi trường đại dương cũng như là phát triển kinh tế biển trong tương lai. 


Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược với Bulgaria
Tiếp sau Bồ Đào Nha, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn cấp cao chính phủ Việt Nam tới Bulgaria. Là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào đầu năm 1950, Bulgaria luôn dành cho Việt Nam sự giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước. Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam – Bulgaria được mở rộng. Nếu năm 2006 trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 18,5 triệu USD, thì năm 2014 con số này là 90 triệu. Tuy nhiên, con số này vẫn còn chưa tương xứng so với tiềm năng của hai nước. Bulgaria và Việt Nam đang quyết tâm nâng quan hệ song phương, đặc biệt là kinh tế thương mại lên một bước phát triển mới, thông qua “Mô hình hợp tác kinh tế mới” được triểu khai từ năm 2014. Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria Lê Đức Lưu cho biết: Điểm mới trong chuyến thăm lần này, để thực hiện chỉ đạo của hai Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng bộ, ngành hai bên sẽ tiến hành các cuộc gặp gỡ trực tiếp để bàn thảo những nội dung hợp tác cụ thể nâng cao hiệu quả các chương trình hợp tác, xúc tiến đầu tư giữa hai nước; bàn các biện pháp tháo gỡ các rào cản kỹ thuật thương mại khi xuất, nhập khẩu các hàng hóa nông sản, thủy sản… vào thị trường châu Âu, đồng thời tìm hiểu các thông tin hợp tác liên doanh có tính khả thi cao để các doanh nghiệp hai bên có thể xúc tiến trong thời gian tới.


Là thành viên của Liên minh Châu Âu cả Bồ Đào Nha và Bulgaria đều có mối quan hệ truyền thống với Việt Nam. Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống thiết thực hơn. Đây là dịp để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác kinh tế thực chất cùng có lợi với các nước trong Liên minh Kinh tế Á – Âu nói chung và với Bồ Đào Nha và Bulgaria nói riêng./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu