Đáp ứng yêu cầu đổi mới, tập trung cao độ cho phát triển kinh tế - xã hội

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Tại kỳ họp này, tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật đã được thể hiện rõ.

Ngày 30/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ bế mạc. Những quyết sách tại Kỳ họp này sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới, kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV có khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Kỳ họp đã thông qua nhiều luật và dự luật quan trọng và cũng là kỳ họp đầu tiên cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, tạo tiền đề đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tinh thần đổi mới tư duy mạnh mẽ

Ngay trong ngày đầu tiên của Kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành kiện toàn bộ máy nhà nước, trong đó có việc bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lương Cường. Chủ tịch nước đã tuyên thệ nhậm chức theo quy định.

Đáp ứng yêu cầu đổi mới, tập trung cao độ cho phát triển kinh tế - xã hội - ảnh 1Ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Tại kỳ họp này, tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật đã được thể hiện rõ. Nhiều dự thảo luật đã giảm đáng kể các điều, khoản. Đúng như lãnh đạo Quốc hội đã khẳng định luật vừa ngắn gọn, song vẫn vừa đảm bảo quản lý tốt, vừa tạo không gian sáng tạo, khơi thông nguồn lực phát triển.

Quốc hội biểu quyết thông qua hàng loạt dự án luật, nghị quyết. Trong đó, nhiều dự án luật được xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại 1 kỳ họp (thay vì 2 kỳ họp như thông lệ trước đây), như: 1 luật sửa 4 luật về đầu tư, 1 luật sửa 9 luật về kinh tế, Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Điện lực (sửa đổi).
Không khí các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và các dự án luật, dự thảo nghị quyết cũng như giám sát diễn ra dân chủ, thẳng thắn, phản ánh kịp thời, khách quan, toàn diện những vấn đề thực tiễn đặt ra. Riêng phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2 ngày đã có hàng trăm ý kiến chất vấn và tranh luận. 
Đáp ứng yêu cầu đổi mới, tập trung cao độ cho phát triển kinh tế - xã hội - ảnh 2Ông Phan Đức Hiếu, Ủy ban kinh tế của Quốc hội phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Ông Trần Hoàng Ngân đoàn, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét: Chất vấn chúng ta đã thấy đã thành công và sôi động vì ngay từ những câu hỏi đầu tiên đã có sự tranh luận giữa đại biểu và người trả lời. Đấy là tín hiệu tích cực của một nghị trường Quốc hội đảm bảo sự công khai, công bằng, minh bạch, truyền tải được những vấn đề quan tâm của người dân vào nghị trường và được lãnh đạo Chính phủ đáp ứng, trả lời đầy đủ.

Những quyết sách đột phá, tập trung cao độ cho phát triển kinh tế-xã hội

Bên cạnh việc Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tổng quát năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, một điểm nhấn quan trọng tại Kỳ họp lần này là Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Đây là một siêu công trình, có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước. 

Đáp ứng yêu cầu đổi mới, tập trung cao độ cho phát triển kinh tế - xã hội - ảnh 3Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy ban kinh tế của Quốc hội, nhận định đây là thời điểm chín muồi để xây dựng công trình biểu tượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc: Tại kỳ họp này cũng là một kỳ họp mà theo tôi là phù hợp để quyết định chủ trương Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao. Vì nếu như chúng ta cứ chậm một kỳ họp thì chúng ta lại chậm triển khai dự án, ít nhất là 6 tháng. Dự án này là cần thiết trong bối cảnh đất nước hiện nay và để triển khai đòi hỏi một thời gian rất dài. Tại thời điểm này, đây là một dự án khả thi.

Với số vốn hơn 67 USD, Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2035, bố trí vốn trong khoảng 12 năm. Quá trình triển khai sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư. Theo ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, dự án hoàn toàn khả thi về mặt nguồn vốn: Chúng ta đang có đủ nguồn lực để có thể đầu tư xây dựng một cách đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đường sắt một cách hiện đại. Bởi vì, nợ công của Việt Nam hiện nay là rất thấp, dưới 40%. Mục tiêu của các nước đang phát triển thì không phải là đưa nợ công thấp, mà chính đây sẽ là một dư địa rất lớn để huy động được các nguồn lực cho đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam.

Đáp ứng yêu cầu đổi mới, tập trung cao độ cho phát triển kinh tế - xã hội - ảnh 4Toàn cảnh phiên họp. Ảnh:quochoi.vn

Tại kỳ họp, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của 12 tỉnh, thành phố. Đây là một chủ trương lớn của Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Yêu cầu đặt ra là rất cấp bách, khẩn trương, tính gương mẫu, tiên phong, nghiêm túc là chủ đạo. Không chỉ tinh giản một cách cơ học, cào bằng, mà cần phải gắn công tác này với vấn đề cơ cấu, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy sao cho tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả, thông suốt. Xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV diễn ra đúng thời điểm quan trọng khi Việt Nam đang tập trung phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đại hội XIII, tạo một bước chuyển biển mạnh mẽ để phát triển đất nước trong thời gian tới. Những quyết sách trên tinh thần đổi mới từ kỳ họp tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân cả nước về giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu