Đằng sau cuộc nội chiến Yemen

Chia sẻ
(VOV5) - Những ngày gần đây, cuộc nội chiến ở Yemen đã trở thành chuyện chung của cả khu vực, của thế giới Hồi giáo và thế giới Arab sau khi Arab Saudi và một số đồng minh can thiệp quân sự trực tiếp vào diễn biến chiến sự ở nước này. Tình hình Yemen đang ngày một nóng lên, đe dọa trực tiếp đến an ninh của khu vực, vốn đã từ lâu như thùng thuốc súng chỉ chực chờ một mồi lửa nhỏ là có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

(VOV5) - Những ngày gần đây, cuộc nội chiến ở Yemen đã trở thành chuyện chung của cả khu vực, của thế giới Hồi giáo và thế giới Arab sau khi Arab Saudi và một số đồng minh can thiệp quân sự trực tiếp vào diễn biến chiến sự ở nước này. Tình hình Yemen đang ngày một nóng lên, đe dọa trực tiếp đến an ninh của khu vực, vốn đã từ lâu như thùng thuốc súng chỉ chực chờ một mồi lửa nhỏ là có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

 

Đằng sau cuộc nội chiến Yemen - ảnh 1
uộc chiến tranh ở Yemen không thể phân thắng bại một cách nhanh chóng dễ dàng. Ảnh: congan.com.vn


Chiến dịch không kích của Liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu nhằm vào phiến quân Houthi ở miền Nam Yemen hôm nay (8/4) đã bước sang ngày thứ 14. Giao tranh ác liệt đã khiến tình hình nhân đạo tại Yemen càng diễn biến phức tạp. Hàng loạt các quốc gia tiếp tục triển khai sơ tán công dân khỏi Yemen. Kể từ khi liên quân Arab liên tiếp tấn công các mục tiêu của phiến quân Houthi tại khu vực miền Nam Yemen, đến nay đã có hơn 500 người thiệt mạng và hơn 1.000 người khác bị thương.

 

Xung đột sắc tộc chưa có điểm dừng

 

Căng thẳng tại Yemen leo thang kể từ sau khi phiến quân Houthi đánh chiếm thủ đô Sanaa hồi tháng 9/2014. Xung đột tại quốc gia Tây Nam Á này tiến sát mức nội chiến khi Houthi mở rộng lực lượng tiến xuống thành phố Aden ở miền Nam, nơi Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi lánh nạn. Trước sự tấn công của quân Houthi, nhằm “bảo vệ chính quyền hợp pháp” của Tổng thống Yemen, một chiến dịch không kích của Liên minh các quốc gia Arab mà đứng đầu là Arab Saudi nhanh chóng được triển khai trên quy mô lớn. Hành động can thiệp quân sự quyết liệt của liên minh đang khiến dư luận hết sức lo ngại về một cuộc chiến giữa hai giáo phái thuộc dòng Sunni và Shi’ite trong thế giới Arab.

 

Nhìn lại lịch sử khu vực Trung Đông, cuộc đối đầu giữa hệ phái Shiite và Sunni, đều theo đạo Hồi, đã kéo dài suốt chiều dài lịch sử của tôn giáo này, chứ không chỉ riêng gì ở Yemen. Trong quá khứ, vùng Trung Đông sau Chiến tranh thế giới thứ 2, khi các đế quốc rút đi, các quốc gia được thành lập với di sản của tình trạng chia cắt cũ, những nhóm chủng tộc và tôn giáo bị cắt xén đem ghép trong nhiều nước khác nhau. Giữa mấy trăm triệu người Arab đó lại xuất hiện nước Israel, quy tụ người Do Thái khắp thế giới về đất tổ định cư, được Mỹ và Châu Âu ủng hộ. Đó là một mầm mống chia rẽ và xung đột không ngừng ở khu vực này. Nhưng bên trong thế giới Arab lại còn đường phân chia giữa hai phái cùng theo Hồi Giáo, người Sunni chiếm đa số và người Shi’ite thiểu số, đã đổ máu chống lại nhau từ hàng chục thế kỷ nay. Khối tín đồ Shi’ite đông nhất nằm trong nước Iran và đây mới chính là căn nguyên của những mâu thuẫn hiện nay trong khu vực bởi thực chất cuộc nội chiến Yemen hiện nay là cuộc đối đầu giữa Iran với các nước Arab, đứng đầu là Arab Saudi với sự hậu thuẫn từ Mỹ.

Cuộc chiến giành ảnh hưởng ở khu vực

 

Cuộc chiến tại Yemen do Arab Saudi đứng đầu và được Mỹ hậu thuẫn, được tuyên bố như là một sứ mệnh để bảo vệ chính quyền của Tổng thống hợp hiến Abdrabuh Mansur Hadi, nhưng thực chất đằng sau đó là vì các lợi ích của các bên trong một bàn cờ tại Trung Đông luôn chuyển động.

 

Trước tiên, nhìn vào những biến chuyển nhanh chóng trong thời gian gần đây ở khu vực này. Tại Syria, chính quyền của Tổng thống al-Assad đã củng cố được vị trí của mình còn tại Iraq, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang bị đẩy khỏi đây bằng sự giúp đỡ mạnh mẽ của Iran và các lực lượng địa phương liên minh chặt chẽ với Tehran. Trong khi đó, Iran không che giấu tham vọng phát huy ảnh hưởng ra khắp khu vực. Thỏa thuận khung vừa đạt được giữa Tehran với các cường quốc cho vấn đề hạt nhân của nước này là bàn đạp để Iran tăng cường vai trò, ảnh hưởng của mình. Việc lực lượng nổi dậy Houthi chiếm được Thủ đô Sanaa diễn ra trong một thời gian ngắn có thể được coi là chiến thắng trong khu vực cho Iran, Hezbollah, Syria, vốn bị từ trước tới nay bị Mỹ và phương Tây, xếp vào trục ma quỷ ở Trung Đông. Vì vậy, Arab Saudi không thể khoanh tay đứng nhìn Iran mở rộng vùng ảnh hưởng và quyết tâm lao vào cuộc phiêu lưu quân sự ở Yemen, nhằm cứu chính thể hiện tại.

 

Một lý do khác khiến Arab Saudi và Mỹ lo lắng khi lực lượng nổi dậy Houthi giành quyền kiểm soát nhiều vùng trọng điểm chiến lược ở Yemen đó là Yemen nằm ở địa thế quan trọng, hầu hết các tàu chở dầu từ các nước Arab Saudi, United Arab Emirates, Kuwait và Iraq đều phải đi ngang bờ biển Yemen, qua vùng  Aden rất hẹp, trước khi vào Hồng Hải để qua kênh Suez đưa dầu xuất cảng sang Châu Âu. Vì vậy, Mỹ và các nước Arab không thể ngồi yên trông một chính quyền thuộc phái Shi’ite kiểm soát con đường này. Riêng với Mỹ, việc chính thể hợp pháp ở Yemen sụp đổ sẽ là một trở ngại cho chính sách đối ngoại của Mỹ, buộc Mỹ phải rút các hoạt động của Lầu Năm Góc và Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đã triển khai tại Yemen. Tuy nhiên, thời điểm này Mỹ cũng không muốn phá hỏng mối quan hệ với Iran sau một thời gian dài nỗ lực gây dựng, thêm vào đó trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Mỹ vẫn rất cần vai trò của Iran để hoàn thành sứ mệnh của mình. Do vậy, chắc chắn sự can thiệp của Washington vào cuộc nội chiến ở Yemen có điểm dừng để dung hòa lợi ích của các đồng minh.

 

Với các lợi ích và mâu thuẫn chồng chéo như vậy, có thể khẳng định đằng sau cuộc nội chiến Yemen đang bị những bàn tay vô hình của nước lớn tác động vào, biến nội chiến thành chiến trường cho các nước lớn thể hiện ảnh hưởng của mình. Bất ổn ở Yemen có thể châm ngòi cho một cuộc chiến sắc tộc toàn khu vực./.

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu