Đàm phán hạt nhân Iran - khó có đột phá

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Ngày 26/02 tới, tại Cộng hoà Kazakhstan, sẽ diễn ra đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức) về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Tuy nhiên, một tuần trước khi sự kiện này diễn ra, những tuyên bố mà hai bên liên tiếp đưa ra cho thấy sẽ khó có đột phá tại đàm phán lần này.

(VOV5) - Ngày 26/02 tới, tại Cộng hoà Kazakhstan, sẽ diễn ra đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức) về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Tuy nhiên, một tuần trước khi sự kiện này diễn ra, những tuyên bố mà hai bên liên tiếp đưa ra cho thấy sẽ khó có đột phá tại đàm phán lần này. 

Đàm phán hạt nhân Iran - khó có đột phá - ảnh 1
Ngoại trưởng Iran Salehi tham dự Hội nghị an ninh hàng năm ở Munich, Đức (Ảnh: Reuters)

 

Trước thềm đàm phán, các tuyên bố của Iran liên quan đến vấn đề hạt nhân xuất hiện khá dày trên truyền thông vẫn thể hiện quan điểm khá cứng rắn của nước Cộng hoà Hồi giáo này. Phát biểu trên truyền hình, lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei phủ nhận việc Iran có ý định phát triển các loại vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, sẽ không có thế lực nào có thể cản trở nếu Iran quyết định chế tạo loại vũ khí này. Lãnh tụ tinh thần tối cao Khamenei cũng nêu rõ lập trường của Iran đối với vũ khí hủy diệt hàng loạt không phụ thuộc vào ý chí của Mỹ và phương Tây mà dựa trên các giá trị đạo đức và tín ngưỡng để kết luận rằng vũ khí hạt nhân là một tội ác chống lại loài người. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia Iran Alaeddin Boroujerdi khẳng định Tehran sẽ không bao giờ đóng cửa cơ sở làm giàu uranium Fordow. Tuyên bố được đưa ra sau khi một số phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin nhóm P5+1 sẽ đề nghị hủy bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào giao dịch vàng và các kim loại quý của Iran để đổi lấy việc đóng cửa cơ sở hạt nhân Fordow trong vòng đàm phán tại Almaty, Kazakhstan, sắp tới. Tín hiệu khả quan của đàm phán càng trở nên mù mịt hơn khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast, ngày 18/2, tái khẳng định các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 chỉ có thể đạt kết quả nếu như P5+1 công nhận quyền sản xuất hạt nhân của Iran. Đây là khuôn khổ rõ ràng có thể mang lại kết quả nhanh chóng cho các cuộc đàm phán.

Đối với nhóm P5+1, đến nay, quan điểm của họ vẫn là yêu cầu Tehran ngừng quá trình làm giàu urani ở mức 20%, gần mức có thể chế tạo đầu đạn hạt nhân. P5+1 muốn Iran chuyển kho urani đã làm giàu đến 20% ra khỏi đất nước đồng thời yêu cầu quốc gia Hồi giáo này đóng cửa căn cứ Fordow, nơi Iran sử dụng để làm giàu urani ở cấp 20%. Chỉ sau khi Iran thực hiện các yêu cầu này, P5+1 mới chấp nhận thảo luận về khả năng giảm bớt các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu lửa và giao dịch tài chính của Iran. Hiện nay, lệnh trừng phạt của phương Tây và nhất là Mỹ khiến cuộc sống của người dân Iran trở nên khó khăn. Thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ của Iran năm ngoái giảm 40 tỷ USD. Sản lượng dầu của Iran trong tháng 1 vừa qua đã giảm xuống còn 2,65 triệu thùng/ngày so với mức 3,7 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2011, trước khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) có hiệu lực. Các hạn chế khắt khe đối với quyền tham gia hệ thống ngân hàng quốc tế cũng đã khiến đồng nội tệ Rial của Iran hiện đang mất giá 45% so với năm 2012.

Còn nhớ, năm ngoái, Iran và nhóm P5+1 từng tiến hành 3 vòng đàm phán với lần cuối kết thúc trong bế tắc hồi tháng 6/2012, tại Nga. Nguyên nhân cũng chỉ vì hai bên không chịu nhượng bộ xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran. Quan ngại chính của các nước phương Tây là khả năng làm giàu uranium của Iran đạt độ tinh lọc 20%, hoạt động có thể sử dụng cho các mục đích hòa bình song cũng có thể cho việc chế tạo bom hạt nhân. Cho đến nay các nước phương Tây vẫn nghi ngờ Iran phát triển bom hạt nhân dưới vỏ bọc chương trình hạt nhân dân sự trong khi Tehran luôn bác bỏ, khẳng định chỉ làm giàu urani để làm nguyên liệu cho các lò phản ứng cũng như phục vụ các chương trình khoa học và y tế, một quyền lợi mà tất cả các quốc gia khác được hưởng.

Trước thềm cuộc gặp sắp tới, đến thời điểm này, chưa bên nào có đề xuất mới hơn so với những gì đã được đưa ra trong cuộc đàm phán trước đó vào tháng 6/2012, tại Moscow. Xem ra, khả năng Iran và nhóm P5+1 xích lại gần nhau trong cuộc đàm phán ngày 26/2 tới là khó xảy ra, điều này cũng đồng nghĩa với việc cơ hội hợp tác vì hòa bình một lần nữa sẽ bị bỏ lỡ./.

 

           

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu