Khủng hoảng hạt nhân tại Iran: Khó có giải pháp hữu hiệu

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) sẽ tiến hành vòng đàm phán mới, vào trung tuần tháng 4 này, để tìm hướng đi, giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Tehran. Dư luận kỳ vọng vào những tín hiệu tích cực từ các bên liên quan để khai thông thế bế tắc hiện nay. Tuy nhiên, sức ép từ hai phía dồn đẩy được tạo ra trước cuộc gặp đã và đang phủ bóng đen lên kết quả đàm phán.

(VOV5)- Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) sẽ tiến hành vòng đàm phán mới, vào trung tuần tháng 4 này, để tìm hướng đi, giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Tehran. Dư luận kỳ vọng vào những tín hiệu tích cực từ các bên liên quan để khai thông thế bế tắc hiện nay. Tuy nhiên, sức ép từ hai phía dồn đẩy được tạo ra trước cuộc gặp đã và đang phủ bóng đen lên kết quả đàm phán.

 

Khủng hoảng hạt nhân tại Iran: Khó có giải pháp hữu hiệu - ảnh 1
Tòa nhà có chứa lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran. Ảnh: AFP/ TTXVN


Ngày 4/4, Bộ Ngoại giao Iraq cho biết chính quyền của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã đề nghị Baghdad đăng cai vòng đàm phán này. Về phần mình, Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari khẳng định sẵn sàng chủ trì hội nghị và sẽ liên lạc với các bên liên quan. Đây được xem là diễn biến mới nhất của cuộc khủng hoảng hạt nhân này, bởi trước đó, Iran và giới chức phương Tây đã lựa chọn thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) là nơi để tiến hành đàm phán. Dư luận quốc tế cho rằng đó chỉ là một trong những yếu tố tạo hy vọng cho kết quả cuộc gặp. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là nội dung đàm phán và thiện chí từ các bên.



Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã không mang lại cho giới quan sát một hy vọng khả quan nào. Giữa Iran và các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, liên tục có những động thái gây áp lực nhằm tạo lợi thế trước khi cả hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Ngày 3/4, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã yêu cầu Iran đưa ra những "cam kết cụ thể" liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran tại cuộc đàm phán sắp tới. Phát biểu khi tới nhận một giải thưởng tại Học viện Quân sự Virginia, Ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết Washington sẽ duy trì sức ép tổng lực đối với chính quyền Iran, áp dụng gói trừng phạt toàn diện nhất trong lịch sử và cô lập hơn nữa Tehran với cộng đồng quốc tế.



Trước đó, hồi cuối tháng 3/2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo, Iran không còn nhiều thời gian để thể hiện thiện chí và giải quyết bất đồng với phương Tây xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này thông qua con đường ngoại giao. Tổng thống Obama cũng cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào ngành dầu mỏ của Iran. Theo đó, Mỹ có thể áp đặt trừng phạt đối với các ngân hàng và các thiết chế tài chính khác mua dầu từ Iran. Bước đi này được xem là sẽ tác động mạnh đến Tehran, bởi về cơ bản buộc các công ty trên thế giới phải lựa chọn giữa việc giao thương với Mỹ và mua dầu của Iran.




Khủng hoảng hạt nhân tại Iran: Khó có giải pháp hữu hiệu - ảnh 2
Đại giáo chủ A.Khamenei chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Iran hứa hẹn chương trình hạt nhân của Iran sẽ không dừng lại.



Theo giới quan sát, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Italy trước đây đều là những khách hàng lớn nhập dầu của Iran và nay có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ nếu không giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran. Mục đích chính mà Washington mong muốn là nền kinh tế Iran kiệt quệ, không thể gắng gượng được nếu như không từ bỏ ý định phát triển năng lượng hạt nhân. Cho đến nay, Liên hợp quốc đã áp đặt 4 đợt trừng phạt Iran vì nghi ngờ nước này tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân thông qua phát triển công nghệ và hoạt động làm giàu urani. Liên minh châu Âu (EU) và một số nước khác cũng đang áp đặt lệnh cấm vận đối với các ngân hàng, thể chế tài chính và ngành dầu mỏ của Iran để gây sức ép buộc Tehran quay trở lại bàn đàm phán.



Trong khi đó, chính quyền Tehran cũng có những động thái đáp trả. Ngày 3/4, Tư lệnh hàng đầu của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, Tướng Massoud Jazayeri, tuyên bố nước Mỹ sẽ không được an toàn trước đòn trả đũa của Iran một khi nước Cộng hòa Hồi giáo này bị Washington tấn công. Còn Đại giáo chủ Ali Khamenei, nhân vật quyền lực nhất của Iran, cáo buộc Mỹ và các đồng minh châu Âu đã thay đổi những lý do của họ để can thiệp vào Iran và cáo buộc mục tiêu thực sự là nhằm kiểm soát các nguồn dự trữ dầu mỏ khổng lồ của Iran. Dư luận lo ngại, "tức nước vỡ bờ" sẽ khiến cho Tehran phát sinh những hành động tiêu cực. Cụ thể là đóng cửa eo biển Hormuz, tuyến đường vận chuyển dầu thô huyết mạch từ Vùng Vịnh ra thế giới. Hiện tại, Iran là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 5 thế giới và là nước sản xuất lớn thứ 2 trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Để trả đũa những biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây, rất có thể, dầu mỏ Iran sẽ "vắng mặt" trên thị trường thế giới. Điều này sẽ đẩy giá dầu lên cao tới mức ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.




Khủng hoảng hạt nhân tại Iran: Khó có giải pháp hữu hiệu - ảnh 3
Kết quả cuộc bầu cử QH Iran không thay đổi chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình của quốc gia Hồi giáo này.



Hiện tại, dư luận chưa thấy điểm sáng hy vọng nào cho tiến trình đàm phán sắp tới giữa Iran và Nhóm P5+1. Vòng đàm phán gần đây nhất giữa hai bên, tại Istanbul hồi tháng 1-2011, đã "dậm chân tại chỗ" do Tehran từ chối ngừng các hoạt động hạt nhân để đổi lấy trợ giúp về công nghệ và thương mại. Bởi vậy, trước cuộc gặp mới này, những động thái dọn đường nguy hiểm từ hai phía đã báo hiệu một kết quả không mấy khả quan./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu