Việt Nam hiện có khoảng 612.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 97 – 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự thảo luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa lần này quy định nhiều chính sách mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp như chính sách hỗ trợ giá thuê mặt bằng, phân định cụ thể chính sách hỗ trợ chung và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh đổi mới sáng tạo.
Đa dạng hình thức hỗ trợ
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ để tiếp cận nguồn vốn, mặt bằng sản xuất, ưu đãi về thuế là điều cần thiết. Việc hỗ trợ đúng, trúng các nội dung mà doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cần sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển đúng hướng, đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế. Muốn vậy, theo nhiều đại biểu, dự thảo luật cần đưa ra tiêu chí quy định về hình thức và nội dung hỗ trợ rõ ràng, phù hợp với mỗi loại doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cơ sở đảm bảo sự công bằng. Về hỗ trợ tiếp cận tín dụng, bà Mai Thị Ánh Tuyết, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, nêu ý kiến: "Vốn là nguồn lực quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn. Do đó, dự thảo luật cần quy định tạo điều kiện thuận lợi , kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Đồng thời cần quy định công khai minh bạch trong xếp hạng tín dụng doanh nghiệp; cần quy định rõ nguyên tắc thời điểm, phương pháp, cung cấp thông tin trong việc xếp hạng tín dụng doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của hệ thống ngân hàng thương mại nhưng bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp nhỏ và vừa".
Việc hỗ trợ về thuế suất cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Ông Mai Hồng Hải, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, cho rằng: "Một số vấn đề như hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp cần quy định cụ thể để đảm bảo thi hành đồng bộ khi luật có hiệu lực từ ngày mùng 1/1/2018 thay vì phải chờ sửa đổi các luật về thuế. Theo báo cáo đánh giá tác động chỉ có khoảng 55% doanh nghiệp nhỏ và vừa có lãi, nếu giảm từ 3 đến 5 % thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thì tác động giảm thu ngân sách không lớn nhưng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tạo thêm việc làm và tăng thu ngân sách trong tương lai".
Hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam thuộc diện vừa và nhỏ |
Mặt bằng sản xuất đóng vai trò thiết yếu đối với từng doanh nghiệp nhưng thực tế doanh nghiệp rất khó tiếp cận vì thủ tục phức tạp, thời gian kéo dài, làm lỡ cơ hội đầu tư. Nhiều doanh nghiệp cho biết được miễn giảm tiền thuê đất không phải là quan trọng mà quan trọng nhất là làm sao sớm có được mặt bằng sản xuất kinh doanh. Ông Trần Văn Lâm, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, nêu ý kiến: "Điều 11 luật quy định những nội dung hỗ trợ mặt bằng nhưng tập trung cho các khu cụm công nghiệp. Trong khi thực tế hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa lĩnh vực thương mại dịch vụ khá đông đảo và nhu cầu về mặt bằng rất quan trọng. Tại Điều 12 có quy định về việc hỗ trợ hình thành các khu làm việc chung, điều này cần thiết nhưng tôi nghĩ vẫn chưa đủ, nên chăng luật cần quy định chính quyền địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế để bố trí quỹ đất và xây dựng các cơ chế thúc đẩy hình thành các trung tâm thương mại cho thuê, các địa điểm kinh doanh cho thuê với giá cả hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh thương mại, dịch vụ".
Riêng việc hỗ trợ mở rộng thị trường cũng cần phải có cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp lớn liên kết chuỗi giá trị với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để doanh nghiệp nhỏ tham gia làm phụ trợ cho doanh nghiệp lớn, nhất là đối với những doanh nghiệp đang dẫn dắt thị trường.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Khởi nghiệp sáng tạo là chủ trương cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm tạo ra sản phẩm mới, tạo sự đột phá trong ngành kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay còn có nhiều cách hiểu khác nhau để xác định đúng đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Bà Mai Thị Ánh Tuyết, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, góp ý: "Để phát huy hiệu quả hệ thống chính sách trong dự án luật, tránh khe hở và nhầm lẫn giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp và doanh nghiệp lập nghiệp hoặc giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo với doanh nghiệp tư nhân thông thường, đề nghị dự thảo luật và các văn bản dưới luật cần làm rõ khái niệm, nội dung, tính chất, loại hình, quy mô v.v... của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo để chính sách hỗ trợ đúng đối tượng, không lãng phí".
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong số 3 quỹ dành để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định trong dự thảo luật, có 1 loại hình quỹ hoàn toàn mới ở Việt Nam với tên gọi quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo: "Quỹ này là hết sức cần thiết để cổ vũ, khuyến khích cho hoạt động đổi mới sáng tạo, thực hiện các ý tưởng trên cơ sở khai thác các tài sản trí tuệ về công nghệ, có khả năng tăng trưởng nhanh. Việc ra đời quỹ này là để tạo thêm các kênh cung cấp vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp, cũng như tăng tính cạnh tranh".
Các văn bản pháp lý hiện hành về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đều là văn bản dưới luật, không đủ cơ sở để triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp một cách đồng bộ, có hiệu quả. Việc dự thảo luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy định sát thực tế góp phần đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế Việt Nam.